BÀN VỀ NHỮNG NGUYÊN ĐỘNG LỰC CỦA HÀNH VI CON NGƯỜI



1. Sướng và khổ:
Cơ thể và cuộc sống con người có nhiều thứ nhu cầu, nếu thỏa mãn được, gọi là sướng. Trái lại là khổ. Đói mà không ăn thì thấy đau khổ; ăn được no đủ liền thấy sung sướng ngay. Nếu không có sự sướng khổ ấy thì con người đến quên ăn mà phải chết mất.
Trong các thư nhu cầu chỉ có đói khát là thứ đau khổi đáng sợ nhất. Nhà thi sĩ Schiller nói: "Ái tình và Đói khát, nếu không có thì cái guồng máy to tát của nhân loại phải bị ngưng đi ngay".
Cũng có nhiều thứ sướng khổ khác, nhưng lực lượng nó không mạnh bằng hai thứ nói trên đây.
Sướng khổ, bản tính nó là chóng tàn - Một điều gì gọi là sướng mà hiện diện mãi cũng hết sướng, mà một sự khổ liên miên rồi cũng thấy đỡ khổ rất mau, không còn thấy khổ nữa. Vì khổ mà thấy giảm bớt đi, lại thấy sướng sánh với cái khổ hồi trước.
Vui sướng mà thật là vui sướng, là khi nào nó bị gián đoạn mãi. Cho nên, chỉ có cái vui sướng nào mà ta chưa đạt được, mới có thể lâu dài được mà thôi. Hễ thỏa mãn được rồi thì hứng thú thấy hết ngay liền đó.
Người ta sở dĩ có sướng là nhờ so sánh với cái khổ. Nói đến một sự sung sướng thiên niên, là nói một điều vô nghĩa. Mạnh khỏe mãi, làm sao biết được cái sướng của mạnh khỏe. Chỉ vì có đau, mới biết được cái giá của sức khỏe mà thôi.
Schopenhauer nói: "Ta đi giày hẹp đau chân. Cởi ra đi chân không, thấy sung sướng vô cùng. Cho nên đau khổ là điều kiện của sung sướng vậy".
Platon nói: "Các vị thần thánh trên đời không bao giờ khổ cả, cho nên chắc chắn là các ông không bao giờ biết sung sướng là gì ...". Một cái hạnh phúc thần tiên mà các nhà tín ngưỡng mơ ước đó, riết rồi đối với họ sẽ không còn sức gì dẫn dụ cho họ say mê được nữa cả.
Vui sướng là một vấn đề tương quan luôn luôn tùy hoàn cảnh ... Cái khổ ngày nay có thể là sướng đối với ngày mai. Cái sướng ngày ngay biết đâu rồi sẽ khổ đối với ngày mai. Đối với người ăn đã no óc ách rồi mà bắt đầu ăn thêm cơm nguội, là một sự khổ. Nhưng, cũng với người ấy, bỏ ba, bốn ngày không cho ăn, mà gặp cơm nguội, thì còn sung sướng nào bằng. Cái sướng của người này chưa ắt là cái sướng đối với người kia, nghĩa là cái sướng của người ngu, người trí lấy làm bực mình, mà cái sướng của người trí, kẻ ngu cũng lấy làm bực mình vậy. Anh say rượu trong quán có cái sướng của anh, nó không giống với cái sướng của nhà văn sĩ viết xong một bài văn hay.
2. Lòng ham muốn:
Có sướng khổ mới có sinh lòng ham muốn. Ham muốn sự vui sướng, trốn tránh sự đau khổ.
Ham muốn là cái nguyên động lực của ý chí và hành vi chúng ta. Thiếu lòng ham muốn thì vạn vật trong đời không một vật nào chịu hoạt động cả.
Ý Chí mà không ỷ lại vào nó thì không thể nào đứng vững nổi. Lòng ham muốn càng mạnh mẽ chừng nào càng giúp cho Ý Chí đặng bền bỉ chừng nấy. Lòng ham muốn mà yếu đi thì Ý Chí cũng vì nó mà giảm theo.
Nhưng ta chơ lầm lộn Ý Chí với Ham muốn: Ý Chí là chỉ về sự có thể làm được, còn Ham muốn thì tha hồ, không hạn định. Điều ta muốn, cố nhiên là điều ta ao ước, nhưng những điều ta ao ước có khi lại là những việc mà ta biết không thể muốn mà được.
Ý Chí là chỉ về những điều ta quyết định thực hành. Ham muốn là những điều ta có thể chỉ nghĩ suông mà thôi ...
Như ta đã thấy ở chương trước: Những bản giá trị của chúng ta đã tạo bày đều do lòng ham muốn chủ trương cả. Những bản giá trị ấy đều tùy thời gian, tùy dân tộc mà thay đổi mãi. Lý tưởng của một dân tộc là biểu hiện lòng ham muốn của dân tộc ấy.
Một ham muốn nào mà lấn được cả năng trí ta rồi thời nó thay đổi cả quan niệm của ta đối với mọi sự mọi vạt trong đời. Cả ý hướng, cả tín ngưỡng của ta cũng theo đó mà biến đổi cả. Spinosa nói rất chí lý: "Ta định cho một vật này tốt, là phải, không phải vì ta xét đoán nó như thế, mà vì tại lòng ta ao ước nó phải theo như thế". Chính đây là nguyên nhân vì sao loại "luận theo tình" là loại luận mà phần đông người ta thích dùng nhất khi suy nghĩ.
Tự nó, sự vật không có giá trị gì cả. Nó sở dĩ có giá trị là do lòng ham muốn con người mà có, và cũng tùy sức mạnh yếu của lòng ham muốn mà tăng giảm thôi. Như sự đánh giá giá trị của con người về những món đồ mĩ thuật là một bằng cớ hiển nhiên rằng giá trị cao thấp của sự vật do nơi lòng ưa thích ít nhiều của con người mà ra cả. Cũng một món đồ, mà có kẻ dám đổ bạc ngàn ra mua, còn người thì chỉ ngó qua mà không thèm để ý đến.
Lòng ham muốn là chúa tể của loài người. Bởi vậy, Thích Ca muốn cứu nhân loại ra khỏi vòng đau khổ, chỉ thấy có một phương pháp duy nhất này thôi là diệt lòng ham muốn. Nhưng mà, cả mấy ngàn năm nay, loài người cũng vẫn đắm chìm trong bể tham dục ...([23])
3. Hi vọng:
Hi vọng không phải là ham muốn, tuy nó do lòng ham muốn mà ra. Mình có thể ham muốn một điều mà thật ra không bao giờ dám hi vọng đến.
Phàm nếu hi vọng đến là khi nào mình thấy điều mình ham muốn đó có thể thực hành được. Ai ai cũng ham muốn làm giàu, nhưng rất ít người có được hi vọng làm giàu. Bởi ham muốn thì không cần phải có điều kiện gì cả; còn hi vọng, trái lại, mình phải có ít nhiều điều kiện mới dám nghĩ đến. Nhà khoa học họ ao ước tìm cho ra cái nguyên lý của vạn vật; nhưng họ không bao giờ có hi vọng sẽ tìm ra được là vì khoa học không đủ điều kiện để tìm ra nguyên lý sự vật.
Tuy nhiên, cũng lắm khi lòng ham muốn và hi vọng lại đi đôi với nhau. Như nơi sòng bạc, ta tuy ham muốn nhưng cũng hi vọng ăn được. Là vì ở đây, ta mong ở sự may rủi.
Hi vọng là một lối sung sướng trong cảnh chờ đợi, có lẽ sung sướng hơn cái sung sướng của sự thỏa mãn. Bởi vậy các nhà cải cách họ chỉ đem hi vọng này thay vào một hi vọng kia, chớ không bao giờ dám đánh đổ hoặc làm cho hi vọng dân chúng được thỏa mãn ... Không khác nào người ta cột bó lúa trước mồm con lừa là để gạt cho nó đi tới mãi. Hi vọng là nguyên động lực lớn nhất của hành vi con người.
4. Thói quen:
Thói quen, làm cho sự sướng khổ điều chỉnh lại. Sướng mà quen rồi cũng bớt sướng, khổ mà quen rồi cũng bớt khổ. Bởi vậy, có nhiều kẻ khổ nhọc suốt đời, nhưng lại sợ đến kì hưu trí, không còn việc giữa mà làm.
Thói quen làm cho người ta bớt khổ, hoặc không thấy khổ nữa, và hễ phá mất thói quen đó, người ta lại thấy khổ như trước. Đi làm việc hàng ngày cực nhọc, được nghỉ một vài ngày là thấy sung sướng, nhưng nếu cho họ nghỉ lâu, họ sẽ đâm ra chán nản và nhớ lại cái đời sống vất vả ở công sở.
Hễ tin tưởng một điều gì, người ta một khi đã quen với điều ấy rồi thì khó lòng mà sửa đổi lại được một cách dễ dàng. Phàm một việc gì đã quen rồi mà bắt người ta phải hủy phá đi để theo một lệ mới khác là làm động đến đời sống yên ổn của họ. Cố nhiên là không phải dễ gì họ nghe theo. Người ta rất sợ cái gì có thể làm mất sự yên ổn. Họ không muốn sung sướng quá, mà cũng rất sợ sự khổ quá. Bởi vậy, họ chịu cái gì điều chỉnh lại sự sướng khổ của họ, thà sống một đời sống phẳng lì như mặt nước ao tù còn hơn. Đó chính là nguyên nhân của óc thủ cựu.
Tóm lại, bất kì dân tộc nào, bất kì là ở vào thời buổi nào, cái tôn chỉ không thay đổi của tất cả hành vi con người là tìm hạnh phúc nghĩa là theo đuổi sự vui sướng và trốn tránh sự đau khổ.
Đứng về phương diện ấy thì con người, ai ai cũng đồng một ý cả, nhưng có khác nhau chăng là khác về cái ý nghĩa của hạnh phúc như thế nào, và phương thế dùng để đạt cái hạnh phúc ấy. Kẻ thì cho có nhiều tiền của, danh vọng là hạnh phúc còn kẻ lại cho ít lòng ham muốn là hạnh phúc. Tùy tâm tính, tùy trình độ ... mỗi người có quan niệm riêng về hạnh phúc.
Thay đổi quan niệm về hạnh phúc của một cá nhân hay một dân tộc, là thay đổi tất cả quan niệm về sự đời và luôn cả mạng vận của cá nhân hay dân tộc ấy.

Trích: Thuật tư tưởng - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Comments

Popular Posts