BÀN VỀ NHỮNG NGUYÊN ĐỘNG LỰC CỦA HÀNH VI CON NGƯỜI (P2)


5. Ảo vọng:
Từ khi mới sinh đến khi chết, chúng ta phần nhiều sống bao bọc trong ảo vọng. Nhờ nó mà ta sống, và ta chỉ biết đeo đuổi mãi theo nó thôi. Ảo vọng của tình yêu, của danh vọng, của sự nghiệp ... là những thứ hạnh phúc mà ai ai cũng mãi ao ước, mãi thèm thuồng. Vì nó ta mới chịu hoạt động, làm việc, và ham sống ...
Về lý trí thì ảo vọng rất ít còn về tình cảm thì ảo vọng có hằng giờ. Ảo vọng về tình cảm làm cho ta tin nơi sự bất di bất dịch của tình cảm, mà thật sự nó phải thay đổi mãi với sự biến dịch của cái người của ta.
"Trải qua những cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng".
Nguyễn Du với lương tri biết rằng: Hễ có sinh thì có diệt, cồn hóa vực, vực nên cồn là một lẽ dĩ nhiên phải vậy. Thế mà với tình cảm của ông, ông không muốn có sự thay đổi ấy, bởi vậy mới có câu: "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng". Đau đớn là bởi vật đổi sao dời không được trường cửu như lòng mình ước nguyện.
Nhà thi sĩ thường mong ước sống được trong một cảnh ái tình trường cửu: Đó là ảo vọng của tình cảm. Nó làm cho người ta ham sống, sống trong hi vọng. Nietzsche nói: "Ảo vọng giúp con người được sống hạnh phúc hơn chân lý". Điều đó có thể chưa đúng nhưng cho ta thấy vai trò của ảo vọng trong cuộc sống.
Trước kia là những ảo vọng của tôn giáo, ngày nay là những ảo vọng của triết học và xã hội...
Có thể nói, với dân chúng, họ cần phải có những ảo vọng mới sống được. Cho nên, yếu tố lớn lao nhất của cuộc tiến hóa các dân tộc không phải hoàn toàn là chân lý mà có cả ảo vọng.
Thiên Đàng, Tiên Cảnh, Quả báo, Luân hồi phải chăng là những ảo vọng, thế mà không có nó khó mà khuyến khích thiên hạ làm lành tránh dữ.
Tóm lại, với quần chúng, sống cần phải có ảo vọng. Thiếu nó thời các hoạt động ngưng đi. Vậy, phá tất cả ảo vọng của con người, nhà dẫn đạo khôn khéo phải biết đem một ảo vọng mới thế vào, thì dân chúng mới chịu.
Ảo vọng, phải chăng là yếu tố quan hệ nhất để tạo dư luận và tín ngưỡng.
Tuy nhiên, quần chúng trước sau rồi cũng có ngày bị thất vọng, vì sự thật thế nào rồi cũng sẽ đến làm cho họ tỉnh ngộ lại. Kinh nghiệm là bài học duy nhất để cho dân chúng biết tôn thờ sự thật và giúp họ phá những ảo vọng nguy hiểm ấy đi. Ta cứ giở ngay lịch sử ra thì rõ. Những kẻ bị nhiều thất vọng là những kẻ sành đời hơn người. Những nước bại vong thường là những nước tỉnh ngộ sớm hơn hết.

6. Quả quyết và sự lặp đi lặp lại:
Muốn cho người tin mình, phải biết quả quyết. Quả quyết một lần không đủ, phải biết lặp đi lặp lại mãi điều mình quả quyết ấy mới đặng. Đó là tất cả cái thuật "nhồi sọ".
"Ông Tăng Sâm ở đất Phí. Ở đấy, có kẻ trùng danh với ông giết chết người. Một người hớt hải chạy đến bảo mẹ Tăng Sâm rằng: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ nói: "Chẳng khi nào con ta lại giết người". Rồi bà cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi.
Một lúc, lại có người đến bảo: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ không nói gì, cứ điềm nhiên ngồi dệt cửi.
Một lúc nữa, lại có người đến bảo: "Tăng Sâm giết người". Bà mẹ sợ cuống, quăng thoi, trèo qua tường chạy trốn."
Những nhà dẫn đạo dùng lối này để tạo dư luận và tín ngưỡng.
Câu nói quả quyết càng được vắn tắt, khêu gợi và rắn rỏi chừng nào thì ảnh hưởng lại càng mạnh mẽ chừng nấy. Đối với quần chúng, những bài luận dài dòng không hiệu quả gì cả.
Những kinh thánh xưa đều dùng lối quả quyết "suông" thôi. Người ta gọi đó là "lời nói của thánh thần" nghĩa là nói một cách quả quyết không cần lý luận, không cần bằng cứ. Nhà chính trị và nhà buôn bán thường dùng lối văn "suông" như thế lắm.
Một quả quyết mà lại nhái đi nhái lại mãi, sẽ tạo thành một ý kiến ăn sâu vào đầu óc quần chúng, lâu ngày người ta sẽ tin rằng nó là một chân lý có đủ bằng cứ, không cần nghi ngờ gì nữa cả.
Đem một tiếng nào, một ý tưởng nào, một khẩu hiệu nào mà lặp đi lặp lại mãi thì rốt cuộc nó sẽ biến thành một tín ngưỡng. Từ người buôn bán các món hàng vặt ở giữa chợ, đến ông giáo chủ một tôn giáo, đều dùng cái lợi khí này để thiết lập thân chủ và tín đồ mình. Napoléon là người rành cái thuật này lắm. Dầu là một bậc thức giả cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng của sự nhái đi nhái lại một ý tưởng. Hễ vô tâm thì nó lôi kéo mình như chơi. Bởi vậy, thuật quảng cáo ngày nay là thuật gì, nếu không phải là thuật nhồi sọ bằng sự lặp đi lặp lại một món hàng? Hằng ngày đọc báo thấy nói: "Không thuốc xổ nào bằng thuốc xổ hiệu X ...", riết rồi, ta cũng tin là nó hay như lời quảng cáo ấy. Hoặc đọc báo thấy nói mãi rằng "Ông A là một người gian tham xảo quyệt, còn ông B ... là một người ngay thẳng quân tử"; riết rồi ta cũng tin bằng lời, trừ ra khi nào ta đọc nơi tờ báo khác thấy người ta đính chính lại sẽ hay.
7. Uy danh:
Những sách luận lý học, bàn về những yếu tố tạo thành một phán đoán, dường như bỏ qua yếu tố quan trọng này: Uy danh.
Một ý kiến mà được một nhà học giả có uy danh bênh vực truyền bá, thời bao giờ cũng được phần đông nghe theo.
Về những vấn đề thuộc về nghề nghiệp của ta, hay thuộc về chỗ sở trường của ta thì ta có thể tin cậy nơi sự phán đoán của ta thôi. Ngoài ra, ta không cần cố công mà suy nghĩ hay lý luận làm gì cho nhọc. Thà nhắm mắt tin theo nhóm người chuyên môn và có uy danh họ thay ta phê phán là đủ. Quyền thế của ông thầy đời nào đến giờ cũng vẫn xem như một điều thiêng liêng không thể xâm phạm.
Một người chưa có uy danh gì cả, mà nói ra một điều đúng với chân lý bao nhiêu, người ta ít chịu để ý đến. Trái lại, lắm khi một anh đần nhất lại được thiên hạ nghe theo. Là vì, không dè mình là đần, họ dám quả quyết một cách độc đoán. Nhờ sự quả quyết và lại khéo lặp đi lặp lại mãi thành ra họ có uy thế. Một anh bán thuốc dán ở ngoài chợ quả quyết một cách chắc chắn rằng thuốc mình là công hiệu hơn hết, thế rồi cũng có đủ uy thế để ảo hoặc tư tưởng của đám đông quây quần chung quanh họ.
Uy danh là một sức mạnh thuộc về tinh thần, cao hơn sức mạnh về vật chất gấp bội. Nhiều xã hội sở dĩ thành lập cũng vì nhờ nó, hơn là nhờ nơi sức mạnh. Napoléon, khi vượt cù lao Elbe về nước, chỉ nhờ nơi uy danh mà không mấy ngày thâu đoạt lại cả nước Pháp về tay mình. Trước cái hào quang sáng rực của tên tuổi ông, súng thần công của nhà vua đều câm miệng cả, các đạo binh của nhà vua đều tiêu tan cả. Người ta lúc bấy giờ xem ông như một vị thần thánh.
Thường trong giới văn chương, những nhà văn chưa có uy danh gì cả đua nhau tìm những nhà văn đã có uy danh đỡ đầu, giới thiệu hoặc làm bài tựa là họ muốn công chúng vì uy thế của nhà văn có tiếng để ý đến những điều họ bày tỏ. Người đọc sách cần phải để ý coi chừng, đừng để cho cái "uy danh" của người đề tựa thôi miên óc phán đoán của mình đi. Đọc sách những nhà văn có tiếng cũng phải để ý đến uy danh họ, và đừng để cho họ lôi cuốn ảo hoặc mình.
Nô lệ lấy uy thế của cổ nhân, thật là một tai nạn cho sự giải phóng tinh thần con người. Cái tinh thần "Tử Viết" ấy, ngày nay vẫn còn mạnh lắm. Không phải nói như thế là bảo phải ruồng bỏ cổ nhân hoặc những nhà đại văn hào có tiếng lớn hơn trong thế giới ta cần phải giữ gìn óc phán đoán của ta được tự do, đừng vì uy thế họ mà làm mờ óc phê bình của mình đi. Và chỉ có thế thôi.
===

Trích: Thuật tư tưởng (Chương 9) - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Comments

Popular Posts