Những cấm kỵ trong giao tiếp, ứng xử

1/ KỴ VIỆC THIẾU PHONG ĐỘ
Trong xã hội hiện tại, hình tượng của một người có ảnh hưởng rất lớn đối với sự thành công trong giao tiếp và công việc của người đó. Phong độ là một phần quan trọng của hình tượng con người nói chung. Phong độ không đẹp, chẳng những tổn thương đến vẻ được tổng thể, mà còn bất lợi cho các mặt khác. Nếu bạn cảm thấy mình yếu kém về mặt này, bạn phải sửa chữa bằng cách nào?

Trước hết cần làm rõ thế nào là phong độ? Đó là sự thể hiện phẩm chất, sự tu dưỡng của một con người qua dáng vẻ bên ngoài. Phong độ không đơn giản chỉ là nét đẹp về ngoại hình, ăn mặc, mà còn bộc lộ qua hình tượng, cử chỉ, lời nói. Một lời nói, một ánh mắt, một hình ảnh, những bước đi, tư thế cầm đũa, thần thái khi nghe nhạc, giọng điệu qua điện thoại, cử chỉ xử sự với bạn bè … Tổng hợp lại, đó chính là phong độ của bạn. Nó phản ánh đặc điểm nghề nghiệp, trình độ văn hóa, thói quen cá tính, kể cả tâm trạng của bạn lúc đó. Phong độ còn mang bản sắc của một dân tộc và có tính thời đại.
Phong độ đẹp đẽ được tạo bởi nhiều yếu tố. Một tâm hồn tốt đẹp là nhân tố nội tại quan trọng quyết định phong độ. Phong độ là vỏ ngoài của tâm hồn. Một con người có tâm hồn xấu xa, dù có mặc đẹp thế nào, vẫn khiến người khác ghê tởm. Nhưng như vậy không có nghĩa là một con người có tâm hồn đẹp thì có phong độ khá. Một nhân tố quan trọng khác tạo nên phong độ đẹp là trình độ văn hóa, và phẩm chất đạo đức. Có nhiều kẻ chỉ tạo cho người khác ấn tượng đẹp trước khi họ mở miệng thốt nên lời.  Sau khi họ nói, cái dung tục, thiếu lịch sự va sự rỗng tuếch bên trong sẽ bộc lộ, xóa sạch thiện cảm ban đầu của mọi người.
Tóm lại những cử chỉ, lời nói có văn hóa và có đạo đức là những yếu tố rất quan trọng cấu thành phong độ đẹp của mỗi con người.
Ngoài ra cách ăn mặc lịch sự hợp thời, thể hình được rèn luyện, cũng có vai trò quyết định không nhỏ đến phong độ. Điều này rất quan trọng với các bạn trẻ. Nếu mất dáng vẻ bên ngoài, thì không thể hiện được phong độ bên trong. Trái lại, nếu thiếu phẩm chất bên trong, phong độ trở thành vỏ ngoài rỗng tuếch. Phong độ hoàn toàn không có nghĩa là làm bộ làm tịch, là một nét đẹp tự nhiên, được rèn luyện, tích lũy qua hàng tháng.
2/ KỴ SỰ THIẾU SỨC HẤP DẪN

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người ước ao mình có một sức hấp dẫn đối với người khác, vì vậy họ thường tiếc rẻ khi mình không có được điều đó. Muốn khắc phục vấn đề trên, trước hết phải tìm hiểu khái niệm về sức hấp dẫn.
Một con người có sức hấp dẫn hay không được quyết định bởi phong cách của người đó. Phong cách là một nhân tố phẩm chất nội tại, sâu sắc, không thể mô phỏng mà có được. Mô phỏng gượng gạo chỉ khiến bộc lộ ra sự kém hiểu biết và nông cạn mà thôi. Cho nên, các bạn trẻ muốn tạo cho mình một sức hấp dẫn, không cần phải mô phỏng kẻ khác, mà là ra sức bồi dưỡng và làm tăng thêm phẩm chất bên trong của mình. Đến một lúc nào đó, phong cách riêng của bạn sẽ tạo nên một sức hấp dẫn kỳ lạ.
Tính tình cởi mở, lạc quan, vui nhộn, sẽ  giúp bạn có một sức hấp dẫn, khiến người khác ưa thích đến gần. Hơn nữa, sức hấp dẫn “hướng ngoại” này là cách thể hiện độ sâu sắc của nội hàm. Vì tính lạc quan chân chính bắt nguồn từ sự thông suốt của việc lĩnh hội mọi yếu tố trong cuộc sống. Vui nhộn thật sự xuất phát từ sự hiểu biết thấu đáo nhân tình thế thái. Nếu bạn chỉ mô phỏng, bề ngoài tỏ ta lạc quan và vui nhộn, chẳng những bạn không tạo được sức hấp dẫn, mà còn tạo cho người khác cảm giác bạn đóng kịch và ranh mãnh.
Nếu bạn có học thức uyên bác, thông minh lanh lợi, lại khiêm tốn, bạn sẽ dễ dàng bộc lộ sức hấp dẫn tài hoa và trí tuệ. Điều này khiến người khác say mê và khó quên.

3/ KỴ THÁI ĐỘ KHÔNG TRỌNG CHỮ TÍN VÀ KHÔNG THÀNH THẬT
Giao tiếp với người khác, cần giữ thái độ “suy bụng ta ra bụng người”. Hãy nghĩ đến lợi ích của người khác trước khi nghĩ đến lợi ích của chính mình. Cần nhớ một điều: nếu mình không muốn thì chớ đẩy sang cho kẻ khác. Cần chú ý 3 mặt dưới đây:
1) Giữ chữ tín, bao gồm sự tin tưởng người khác. Điều mình đã hứa, phải thực hiện cho bằng được, đừng bao giờ hứa suông.
2) Trung thành, không giả dối, không xu nịnh, không trọng lợi khinh nghĩa, lời nói phải thực lòng, trước sau như một, uốn nắn giúp đỡ bạn bè khi họ có sai lầm.
3) Khiêm nhường: Nhường nhịn bạn bè, tránh xung đột chỉ vì những chuyện cỏn con, không cố chấp hoặc ức hiếp kẻ yếu hơn mình.
Nhưng, chúng ta cần làm rõ: Đối với những kẻ vi phạm pháp luật, không trọng đạo đức, phá hoại sự an ninh, đoàn kết của xã hội, chúng ta phải tỏ rõ lập trường, dũng cảm đứng ra đấu tranh với họ. Làm như vậy, bạn sẽ được mọi người yêu mến và tâm hồn cũng được thanh thản.

4/ KỴ SỰ NHẸ DẠ - CẢ TIN
Khi kết bạn, cần nghiêm túc thận trọng, chớ nên tùy tiện nhẹ dạ.
Trong cuộc sống, tuy cũng có những người kết bạn, kết duyên từ giây phút quen nhau đầu tiên, nhưng không vì thế mà luôn nhẹ dạ cả tin.
Đối với người bạn mới quen, tuy rất hợp nhau, nhưng bạn vẫn cần đối xử có chừng mực, nhất là đối với người chưa tìm hiểu kỹ, càng không thể tin tưởng một cách mù quáng.
Các bạn trẻ mới vào đời, thiếu năng lực phán xét và kinh nghiệm cuộc sống, không dễ phân biệt thế thái nhân tình dưới trạng thái đặc thù, dễ bị những kẻ xấu thừa cơ lợi dụng. Nhất là đối với những người đàn ông mới quen chưa rõ về lai lịch thân thế thực sự của họ mà bạn gái cả tin, mù quáng thì dễ đưa đến hậu quả khó lường.
Có những thanh niên rất mến mộ những người nổi tiếng, mong muốn được làm quen với họ thì sự đeo đuổi này dễ đánh mất sự tự tôn và lòng tự trọng, dễ tạo điều kiện cho những kẻ giả danh có cơ hội lừa gạt.
Ngoài ra trong cách đối xử với bạn mới quen, cần chú ý phép lịch sự; nhiệt thành nhưng vững vàng, thắn thắn nhưng cẩn thận, rồi dần dần tìm hiểu sâu hơn, đoàn kết, hỗ trợ, thương yêu nhau, làm tăng tình hữa nghị sau này. 

5/ KỴ SỰ XUNG ĐỘT GIỮA CHỦ VÀ KHÁCH
Quan hệ giữa bạn với người nhà, hàng xóm, bạn học, đồng sự được hình thành trong quá trình tiếp xúc hàng ngày ở gia đình, chòm xóm, bạn học, đồng sự được hình thành trong quá trình tiếp xúc hàng ngày ở gia đình, chòm xóm và đơn vị học tập công tác, nên có tính ổn định tương đối và tính dung hòa rất lớn.
Nhưng trong quá trình hoạt động của các ngành nghề, quan hệ giữa chủ và khách hoàn toàn khác nhau. Giao thiệp giữa chủ và khách, nhìn chung tuy nhiều, và được tiến hành từng ngày một, nhưng đa số, mang tính ngẫu nhiên, ngắn ngủi, thuần sự vụ. Đứng về phía khách mà nói, mượn sách trả sách từ tay ai, mua hàng giao tiền cho nhân viên nào, được phục vụ bởi tiếp viên nào đều không đáng kể, chỉ cần xong việc và đạt được ý muốn. Đứng vào phía chủ (tức nhân viên dịch vụ) mà nói, phục vụ cho vị khách nào cũng thế, không cần lựa chọn, cho nên giữa đôi bên đôi lúc chưa tìm hiểu rõ đã chia tay. Sự giao thiệp giữa khách và chủ thường được xử sự như người không có tính cách. Họ ít chú ý đến ấn tượng để lại cho đối phương hoặc ảnh hưởng đối với hoàn cảnh xung quanh.
Chính vì những cử chỉ song phương quá tùy ý, nên họ dễ thốt ra lời nói thiếu lịch sự hoặc cử chỉ lơ là thiếu trách nhiệm gây nên sự không vui, nóng giận, thậm chí xảy ra xung đột.
Nhân viên phục vụ cho rằng, tiếp xúc với khách chỉ là yêu cầu công việc, nên thường xử sự máy móc và miễn cưỡng. Những ai thiếu tu dưỡng hoặc có tâm trạng không vui họ đều tỏ thái độ “lạnh lùng”, “miệt thị” khách, để được giải tỏa về tâm lý. Hơn nữa, khi họ cảm thấy sức lao động của mình không được người khác tôn trọng, họ lại càng tức giận, và tìm cách nạt nộ khách để tỏ thái độ phản kháng.
Còn khách lại có thái độ hoàn toàn khác. Họ chỉ mong nhanh chóng hoàn thành công việc của mình, ít chú ý đến việc cảm ơn sự tận tụy của nhân viên phục vụ, chỉ trừ những trường hợp nhân viên phục vụ đưa ra một đề nghị gợi ý hay, giúp khách giải quyết được một vấn đề khó khăn nào dó. Mặc khác, họ cho rằng, phục vụ là bổn phận của nhân viên, nên họ rất nhạy cảm về phản ứng khi có cảm giác không được phục vụ chu đáo, gặp điều bất mãn, rất dễ xảy ra xung đột từ hai phía.
Tóm lại, vì yếu tố tâm lý, tính đặc thù của hoàn cảnh, điều kiện giao thiệp và khoảng cách về hành vi và mục đích mà hai phía chủ và khách đều có sẵn nhân tố  “bùng nổ”. Tuy nhiên nhân tố tiềm năng kia chỉ là sự có thể gây ra xung đột, chứ chưa phải là điều tất yếu.

6/ KỴ VIỆC TRANH CÃI KHÔNG CẦN THIẾT
Một khi xuất hiện mâu thuẫn trong giao thiệp thì thường xảy ra tranh cãi. Tranh cãi dễ khiến người ta suy nghĩ  hỗn độn, cuộc sống bị quấy rầy ảnh hưởng đến sức khỏe và còn khiến vấn đề trở nên phức tạp, mâu thuẫn gay gắt đánh mất tình bạn, khiến cho con người dễ mất lý trí, tạo ra bất hạnh… Trừ những kẻ có tâm lý bệnh hoạn, ít ai muốn tranh cãi với người khác. Khi mẫu thuẫn xuất hiện, một số người vì tìm không được cách giải quyết thỏa đáng, đành đi tới tranh cãi.
Phải khác phục bằng cách nào?
1/ Với trái tim rộng mở, không quá tính toán thiệt hơn. Vì tranh cãi là chuyện đôi bên, nếu đối phương vô lý, bạ bỏ qua cho; nếu đối phương nói quá vài câu, bạn không cự lại, sẽ không thể xảy ra tranh cãi.
Nếu đối phương gây sự, mắng chửa, bạn xem như họ là người có bệnh. Đối phương sẽ cảm thấy cụt hứng, cuối cùng đành bỏ cuộc. Thực ra, tranh cãi, hành hung đều là biểu hiện của sự dã man và lạc hậu, một con người có đạo đức và văn minh không bao giờ làm như thế.
2/ Gặp chuyện cần bình tĩnh: Khi xảy ra mâu thuẫn hoặc tranh chấp với mọi người khác, bạn cần giữ bình tĩnh, đừng nên hấp tấp, vì nếu hấp tấp bạn dễ nóng giận; không tránh khỏi cãi vã. Nếu mâu thuẫn là do hiểu lầm bạn cần nói rõ nguyên nhân, giải thích đầu đuôi câu chuyện, để xóa đi sự hiểu lầm của đối phương. Nếu có người cố tình xúi dục, tạo ra mối nghi ngờ, bạn phải phân tích kỹ càng, làm rõ phải trái, để đối phương thông cảm.
3/ Cười xòa cho qua: Khi có ai chọc tức bạn, có thể bạn mặc kệ hoặc cười xòa bỏ qua. Cách làm này nhiều lúc có thể giúp bạn tránh được ngượng ngùng, hoặc cãi vả. Trong tình huống đặc biệt, bạn cần tỏ ra nghiêm túc thì chỉ cần trừng mắt nhìn đối phương là đã đủ. Cũng có thể kêu cứu, nhưng tránh cả vã riêng với đối phương. Hơn nữa, nụ cười  vốn có nhiều hàm ý, có thế là cười tự nhiên, cười khinh bỉ, cười châm biếm nên nó có tác dụng làm tiêu tan sự phẫn nộ, khiến cho sự vô lý và không trong sáng của đối phương được bộc lộ.
4/ Lời nói cử chỉ thích đáng:  Một lời nói quá đáng, đủ trở thành nguyên nhân gây nên sự tranh cãi. Việc làm tổn thương lòng tự trọng, vạch ra chỗ yếu của kẻ khác, đều dễ khiến người khác tỏ ra nóng giận, gây nên tranh cãi. Phê bình cũng cần đúng mức, không thể chỉ trách người khác, nhắc lại chuyện xưa. Dù là bạn bè quen thân, cũng cần giữ phép tắc, chớ nên giấu đồ đạc hoặc đụng chạm đến thân thể đối phương trước đám đông, sẽ gây sự mất tình cảm.
5/ Chú ý quan sát: Đối với những ai đang có tâm trạng buồn bực hoặc gặp điều không may, bạn chớ tranh cãi với họ. Nếu không, bạn dễ bị họ trút cơn giận lên đầu. Lúc này cần tránh xa họ, chờ họ bình tâm lại rồi mới tranh luận. Những kẻ say rượu nói nhảm, kẻ hấp tấp nóng này, kẻ hay giận dỗi ,… bạn đều nên bỏ qua và tránh cãi vã với họ. Tóm lại cần chú ý đến tính cách và tâm lý của đối phương để có xử sự đúng mức. Đó là biện pháp tránh phát sinh  cãi vã tốt nhất.

7. KỴ VIỆC NGỘ NHẬN
Ngộ nhận dễ làm tổn thương đến hình tượng của một con người. Chỉ cần nắm vững các nguyên tắc sau, ta có thể tránh sự ngộ nhận.
Đứng trước bất cứ một vấn đề, nếu có thể giải quyết sau khi quan sát rõ ràng, thì ta nên quan sát tìm hiểu kỹ càng, ví dụ như anh A cho rằng răng của phụ nữ ít hơn nam  giới; anh ta chỉ cần nhờ vợ mình mở miệng để đếm thử thì sẽ có kết quả chính xác, và sẽ không lầm tưởng như trước nữa. Nhưng nếu anh ta có cố chấp, cho rằng mình nghĩ đúng, không chịu kiểm tra, thì anh ta sẽ ngộ nhận mãi mãi.
Tự cho mình là hiểu biết, thực ra chẳng biết gì là một sai lầm nghiêm trọng, nhưng chúng ta thường dễ phạm sai lầm này.
Nếu gặp phải kinh nghiệm của mình thì sao? Lúc đó làm sao phát hiện được sai lầm? Hãy chú ý một khi bạn tỏ ta phẫn nộ về một quan điểm ngược lại với suy nghĩ ban đầu của mình, thì đó chính là dấu vết, một dấu vết tỏ rõ bạn cảm thấy quan điểm của mình xuất hiện nguy cơ một cách không tự giác. Lúc đó bạn nên cảnh giác, hãy tự kiểm tra tư duy của mình, có thể bạn sẽ phát hiện niềm tin của bạn còn thiếu căn cứ.
Hãy tham khảo ý kiện của người khác. Nếu bạn phát hiện kẻ khác cũng có cách nhìn phiến diện, sai lầm như vậy, bạn càng phải tự thức tỉnh. Cách này giúp bạn học được tính thận trọng.
Đối với những người giàu trí tưởng tượng, hãy giả định mình đang tranh luận với người khác ý kiến với mình, để vừa tập năng lực tư suy logic, vừa kiểm tra lại quan điểm của mình xem có chính xác hay không.
Cần đề phòng những ý kiến xu nịnh vì nó khiến bạn dễ đi đến tư duy mù quáng. Hãy khắc phục tâm lý tự phụ bằng cách luôn tự nhắc nhở: Trái đất chỉ là một hành tinh nhỏ trong vũ trụ, cuộc đời của một con người chỉ là giây phút ngắn ngủi so với xã hội loài người. Trong thế giới bao la này, có thể còn có sự sống ưu việt hơn mình.

8. KỴ VIỆC KHÔNG CẦU CÁI “CHUNG”, GIỮ CÁI “RIÊNG”
Nếu hai người hoàn toàn không có lời nói chung, thì không thể kết bạn. Nhưng chữ “chung” ở đây có tính tương đối, ví dụ như có sự yêu thích chung, nhưng cá tính, thói quen, phong cách vẫn có thể “riêng”. Vì giữa người với người, không thể đòi hỏi hoàn toàn giống nhau. Cho nên cần vừa có cái chúng, vừa có cái riêng, mới có thể kết bạn, giúp đỡ và bổ sung cho nhau, vun đắp tình hữu nghị tốt đẹp.
Khi kết bạn, cần xem đối phương là một con người độc lập, không thể đòi hỏi người khác hết lòng chiều bạn.
Có người thích làm quen với những ai giỏi hơn mình, điều này tuy có mặt tốt, nhưng nếu cho rằng ai “kém” hơn là không đáng kết bạn thì quá sai lầm, vì “giỏi” và “kém” chỉ là tương đối, trên thế gian này không có ai là hoàn toàn tốt đẹp. Chỉ chạy theo bạn giỏi, sẽ khiến bạn vừa khiêm tốn, vừa ngạo mạn, dần dần bạn sẽ đánh mất bản thân.
Thật ra, sự chệnh lệch về tính cách, học thức, địa vị, tuổi tác, giới tính, không ngăn cản việc kết bạn. Nếu một mực cố chấp, bạn sẽ mất đi nhiều bạn tốt mà còn tự cô lập chính mình.
Hãy chú ý “cầu cái chung và giữ cái riêng” khi kết bạn.

9. KỴ SỰ THIẾU ĐỘ LƯỢNG
Tính tình hẹp hòi, không độ lượng, thường do những nguyên nhân sau đây gây ra:
1) Dựa vào cái nhìn đầu tiên để đánh giá con người. Con người trên thế gian muôn màu muôn vẻ, tiếc rằng kẻ hẹp hòi lại chia người ta làm từng loại, bỏ qua sự khác biệt của từng người. Ví dụ có người làm quen với vài người miền X, cảm thấy họ rất là tiết kiệm, thì cho rằng tất cả những miền X đều có tính keo kiệt. Thói quen xấu này sẽ ảnh hưởng đến thái độ giao thiệp của người đó.
2) Đòi hỏi quá đáng: Ví dụ anh A thích sạch sẽ, đòi hỏi mọi người đều phải như vậy, anh ta tỏ ra khó chịu dù chỉ là một chấm đen ở trên áo người khác. Hiện tượng này gọi là “tỏa chiếu tâm lý”, khiến anh ta luôn đo lường hành vi cử chỉ của kẻ khác theo cách riêng của mình, chỉ cần lệch đi một chút là đã tỏ ra đối địch và ghét bỏ.
3) Phóng đại nhược điểm kẻ khác: Con người hoàn thiện là không thể có. Nếu chi vạch lá tìm sâu, thì nhìn người khác sẽ thấy toàn là khuyết điểm và thiếu sót. Từ đó sẽ có ngộ nhận và thiên lệch trong việc đánh giá, điều đó cũng giống như bông hồng có gai, người có định kiến sẽ ghét bỏ bông hồng.
4) Tính tình hấp tấp nóng nảy: Người có thiên kiến hẹp hòi thường có tính nóng nảy, suy nghĩ giản đơn, không quen suy nghĩ vẫn đề trên lập trường của kẻ khác.
Tôn trọng nhược điểm của người khác là tiền đề cơ bản để xây dựng quan hệ tốt đẹp với mọi người. Khoan dung độ lượng hoàn toàn không có nghĩa là nhu nhước vô dụng. Chỉ có những người có tự tin, mới độ lượng với người khác, biết chú ý đến ưu điểm của người khác, không chê bai đủ điều hoặc đòi hỏi quá đáng, ép buộc người ta làm theo ý mình, rập khuôn theo mình. Bởi vì làm như vậy là ích kỷ, đi tới thất bại. Muốn khắc phục tâm trạng này,c ác chuyện gia tâm lý kiến nghị hãy nên biết phục vụ cho người khác, nghĩ nhiều về người khác. Qua đó, giúp bản thân giảm bớt sự phiền não, để mình cảm thấy yên tâm thoải mái và qua đó cũng phát hiện ưu điểm của người khác. Hoặc có khi cần kiên nhẫn chờ đợi để đối phương có cơ hội thức tỉnh, tự thể hiện, điều đó sẽ làm giảm bớt sự căng thẳng trong quan hệ giữa người với người.
Học cách khen ngợi ưu điểm của người khác, là sự biểu hiện của lòng khoan dung độ lượng. Có người cho rằng khen ngợi là giả dối, là xu nịnh. Đây là quan điểm sai lầm, chỉ có những ai có trái tim nhân ái mới thưởng thức được ưu điểm của người khác. Luôn chê bai và khinh miệt, dễ làm mất lòng người khác. Hơn nữa khen ngợi còn là biện pháp tốt để điều tiết quan hệ trong giao tiếp.
Đa số mọi người đều không thích bị chê bai, khinh thị và do đó dễ nảy sinh tâm lý đề kháng. Chỉ có sự khoan dung mới đem lại cho chúng ta niềm vui trong cuộc sống.

10. KỴ TÍNH XẤU
Tính xấu cản trở việc kết bạn, làm bất lợi cho sự đoàn kết và hợp tác với người khác. Đặc trưng của tính xấu là:
1) Không tôn trọng nhân cách người khác, xử sự thiếu tình cảm, không quan tâm đến niềm vui nỗi buồn của người khác, xem họ như công cụ sai khiến của mình.
2) Những người có tính “tự tôn chủ nghĩa”, chỉ chăm chú đến lợi ích và sự yêu thích của mình, phớt lờ lợi ích và hoàn cảnh của người khác. Họ chỉ tạo được quan hệ nông cạn với người khác.
3) Thiếu chân thành,  giao du kết bạn chỉ nhằm mục đích có lợi cho bản thân mình.
4) Phục tùng quá đáng và luôn tìm cách lấy lòng người khác hoặc chỉ sợ cấp trên, thiếu quan tâm đến cấp dưới.
5) Quá ỷ lại và đánh mất tự trọng.
6) Có tính phản kháng và tính ganh tỵ quá đáng.
7) Có tính đa nghi, luôn đối địch và thiên kiến, dễ đưa mỗi quan hệ với người khác đi vào ngõ cụt.
8) Quá tự ty, thiếu tự tin, xử sự nhạy cảm thái quá, phê bình người khác quá đáng, tự khoe khoang sau mỗi lần hoàn thành công việc.
9) Có tính cô lập, không thích giao du với người khác.
10) Thiên kiến, cố chấp, không nghe lời khuyên, luôn muốn phục thù trả hận.
11) Đề ra yêu cầu, mục tiêu xa vời không thiết thực, luôn có yêu cầu khắc khe với người khác.
Thưa các bạn, nếu bạn mắc phải một trong các tính xấu nêu trên, hãy mau chóng sửa đổi, để khỏi ảnh hưởng đến việc kết bạn, quan hệ giao tiếp, và để khỏi bị người khác đánh giá thấp. Mỗi con người đều cần tự hoàn thiện để đi lên, nhằm thích ứng với cuộc sống xã hội và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.

11. KỴ SỰ CHỊU TÁC ĐỘNG BỞI ẢO GIÁC
Ấn tượng đầu tiên thường rất rõ rệt và bền lâu, có ảnh hưởng rất lớn trong quá trình giao tiếp sau này. Nhưng đầu óc con người rất phức tạp, việc chủ thể thích ứng với hoản cảnh, cũng như hoàn cảnh ảnh hưởng tới chủ thế, đều khiến xuất hiện sự đổi thay. Nhiều đặc điểm lúc ban đầu không có hoặc chưa rõ, cũng dần dần hiện ra. Nếu ta bỏ qua điểm này, chỉ nhớ mãi ấn tượng ban đầu hoặc đánh giá con người theo nhận xét của một người nào đó, kết luận vội vã thì dễ tạo nên thiên kiến và thành kiến. Một khi đã giữ thành kiến tất yếu sẽ đưa đến sự đối kháng.
Người ta cũng thường hình thành những cách nhìn cố định về các nghề nghiệp, các tầng lớp nào đó trong xã hội. Ví dụ hễ nhắc đến người công nhân, là ta liên tưởng đến sự hào phóng, thẳng thắn, lời nói mộc mạc; nhắc đến dân trí thức, ta sẽ nghĩ tới vẻ thư sinh, sự đãng trí, không mấy thấu hiểu sự đời của họ, nhắc đến thanh niên ta thường nghĩ đến sự nông nổi và hấp tấp; nhắc đến người già, ta lại nghĩ họ thường có tính bảo thủ và rập khuôn… Những định kiến này không phải hoàn toàn không có căn cứ, nhưng cũng không phải là đặc điểm chung của từng đối tượng. Theo thói quen, chúng ta thường nhìn tính cách, tư tưởng, hành vi người khác theo một khuôn khổ, từ đó tạo ra ảo giác, đưa đến những hiểu lầm, làm cản trở sự giao thiệp và xử sự. Cho nên nhìn người bằng thái độ khách quan, biện chứng, là biện pháp tốt nhất làm tiêu tan mọi trở ngại là điều cần chú ý trong giao thiệp… Thực hiện được điều đó hay không là nhờ vào tư tưởng phẩm chất đạo đức của mỗi người. Hãy chú ý đi sâu tìm hiểu, sẽ thấy con người luôn thay đổi. Có khi anh A tạo cho bạn cảm giác vô lễ trong lần tiếp xúc đầu tiên, biết đâu qua nhều lần tiếp xúc, bạn sẽ cảm thấy anh ta chỉ vì mắc cỡ nên không thể biểu hiện tình cảm của mình. Bạn cảm thấy chị B là người khắt khe trong lời trò chuyện ban đầu, có thể chị ta sẽ trở thành người hiền lành thẳng thắn sau nhiều lần tiếp xúc. Thêm vào đó, qua học tập, không ngừng nâng cao nhận thức và đạo đức, qua ảnh hưởng của hoàn cảnh cuộc sống, con người ta luôn tự hoàn thiện chính mình. Cho nên đừng vì ấn tượng ban đầu mà làm cho mình có ảo giác khi giao thiệp, quan hệ với người khác.

12. KỴ VIỆC KHÔNG BIẾT CHỪNG MỰC
Trong giao thiệp, nếu không chú ý đến chừng mực, sẽ dễ dàng dẫn đến hậu quả xấu. Cần giữ chừng mực ra sao?
1/ Tự trọng và tôn trọng người khác: là hai điều cần thực hiện một cách thống nhất.
2/ Tin cậy nhưng không cả tin: Tin tưởng đối phương là điều kiện tiên quyết để đối phương tin tưởng lại bạn. Nhưng tin tưởng phải có mức độ để tránh nhẹ dạ cả tin, dễ bị lừa gạt.
3/ Làm nổi bật mình nhưng không chà đạp người khác. Trong giao tiếp, có thể làm nổi bậc mình một cách có chừng mực. Nếu bạn tự phụ, kiêu ngạo, chà đạp người khác, việc giao tiếp sẽ mất hết ý nghĩa. Nếu cứ thao thao, làm bộ làm tịch, dùng động tác khoa trương để làm nổi bậc chính mình, bạn chỉ khiến người khác có ác cảm với mình.
4/ Thẳng thắn nhưng không thô thiển. Đối xử với người, ta cần phải thẳng thắn thật thà, nhưng hoàn toàn không phải là sự thô lỗ, nói năng khoác lác.
5/ Khiêm tốn nhưng không giả vờ. Khiêm tốn là một đức tính tốt trái ngược với sự tự cao tự đại. Nhưng khiêm tốn phải trên cơ sở thành thật, không nên giả tạo.
6/ Cẩn thận nhưng không gò bó. Làm việc cẩn thận là một điều rất quan trọng để dẫn đến thành công, nhưng cẩn thận không phải là gò bó, sợ sệt hoặc khúm núm. Điều đó sẽ có ảnh hưởng không tốt trong giao tiếp.
7/ Hoạt bát nhưng không tùy tiện. Ăn nói vui nhộn, cử chỉ hoạt bát, dễ kết bạn, cũng là chất xúc tác gây cảm tình của người khác. Nhưng hoạt bát khác với tùy tiện, nên tránh những cử chỉ tùy tiện dung tục.

13. KỴ THÓI XU NỊNH
Có một số người không thích gần gũi với người có chức quyền, vì sợ chê cười là “kẻ xu nịnh”. Sự thật đúng là có loại người như vậy, vì muốn đạt mục đích, họ tự nhiên hạ thấp mình để nịnh hót kẻ có chức quyền nhằm kiếm lợi. Loại người này thường làm cho việc lãnh đạo bị chệch hướng, làm ảnh hưởng đến uy tín của lãnh đạo, bị đồng sự ghét bỏ. Việc làm của họ khiến những ai muốn thực lòng khen ngợi hoặc đánh giá công bằng về cấp lãnh đạo đành phải nín lặng, để khỏi bị vạ lây là “kẻ xu nịnh”.
Mọi người chúng ta đều mong ước được người khác tôn trọng và giúp đỡ, mong được khẳng định và củng cố danh dự địa vị của mình. Ai cũng đều không muốn bị người khác xem thường và bị cô lập.
Khi ước muốn trên không được thỏa mãn, người ta thường nảy sinh cảm giác bị ngăn cách với mọi người, khó đi đến sự hòa  hợp. Cho nên tôn trọng lãnh đạo là một ý thức và cử chỉ thiết yếu trong công tác. Nhưng làm thế nào để phân biệt điều đó với sự xu nịnh? Điều này không khó, chỉ cần ta nghĩ rằng: lãnh đạo cũng là người, cũng có nhu cầu bình thường, cũng có đòi hỏi được xem trọng như mọi người, đó là sự “ước mong về tâm lý”. Mặc khác, việc tìm hiểu người khác, thỏa mãn nhu cầu chính đáng của người khác, hoàn toàn khác với việc xu nịnh một cách có dụng ý.
Tôn trọng người khác cũng là đặc điểm của những người có đạo đức. Khi bạn mình gặp khó khăn trong cuộc sống hay trong công việc, chúng ta tất phải giúp đỡ. Lúc lãnh đạo đang đọc bản báo cáo, ta rót nước mời, không nên xem đó là cử chỉ xu nịnh. Chỉ khi nào chúng ta chịu tôn trọng lẫn nhau, dù là đồng sự hoặc thậm chí người mới hợp tác lần đầu, chỉ có như thế mới làm nảy sinh một sự “tương dung” về mặc tâm lí thì sự hợp tác mới thuận lợi. Chẳng lẽ khi một người đang đọc báo cáo, thì không nên mời anh ta ngồi và rót nước mời anh ta hay sao? Cho nên, với những công việc như vậy, giới hạn giữa lãnh đạo và cấp dưới không cần vạch ra quá rõ ràng.
Trong cùng một đơn vị công tác nếu chúng ta tôn trọng lãnh đạo, bảo vệ uy tín cho người đó, sẽ có tác dụng thúc đẩy công việc và tăng cường sự thông cảm và hiểu biết lẫn nhau cho cả đôi bên. Hiểu được khó khăn của lãnh đạo, tôn trọng ý kiến họ đề xuất thì dù có thắc mắc hay ý kiến ngược lại, bận nên chọn thời gian và bối cảnh phù hợp. Những việc làm này hoàn toàn không phải là nịnh hót.
Là nịnh hót hay tôn trọng, cần xem việc đó xuất phát từ thái độ tôn trọng người và thương người hay chỉ là lo vụ lợi mà quên chân lý, nguyên tắc mà kết luận. Nếu bạn xuất phát từ động cơ mà muốn làm tốt công tác và xử sự tốt với mọi người, thì bạn không cần đến sự kiêu ngạo hoặc quá khiêm nhường. Thái độ cần giữ chính là không kiêu ngạo cũng không tự ti.

14. KỴ CÁCH SỐNG THIẾU TÍNH HÀI HƯỚC
Cuộc sống cần có hài hước và tiếng cười bởi vì nó có tác dụng làm thư giãn tinh thần. Hài hước còn có thể xóa đi sự hiểu lầm và mâu thuẫn, giải quyết những khó khăn trong giao tiếp. Hài hước có tác dụng thúc đẩy quan hệ giao tiếp. Trong cuộc sống gia đình, lúc xuất hiện không khí căng thẳng, nếu bạn hòa giải bằng thái độ hài hước thì bạn sẽ nhanh chóng làm tiêu tan sự ngượng nghịu. Trong cuộc sống vợ chồng, nếu xảy ra xung đột, thì lời nói có tính khiêu khích sẽ như thêm dầu vào lửa, mà lời khuyên dài dòng cũng khó có tác dụng, lúc này nếu tạo ra vài câu nói hóm hỉnh, tình thế có thể biến đổi, mang lại không khí hòa  hoãn vui vẻ. Cho dù xung đột đến mức căng thẳng tột độ, vẫn dập tắc được lửa “can qua”. Ngược lại, thiếu tính hài hước, sẽ khiến cho không khí bất hòa thêm căng thẳng, làm cho cuộc sống trở nên nặng nề, khô cứng.
Nếu bạn là người thiếu tính hài hước bạn phải khắc phục bằng cách nào?
Hài hước do con người phát hiện, tìm tòi, sáng tạo và cũng được con người thưởng thức và lĩnh hội. Tính hài hước hoàn toàn có thể luyện tập mà có, Trước hết, cần giữ thái độ tích cực, lạc quan tin tưởng, biết tự giải thoát mọi phiền muộn và ưu sầu. Hơn nữa, phải tìm cách mở rộng tri thức và sự hiểu biết, phát huy trí tưởng tượng lại quan hệ chặt chẽ với tri thức. Hiểu biết càng nhiều, càng rộng, sức tưởng tượng càng thêm phong phú, từ đó giúp ta sáng tạo ra sự hài hước một cách đa dạng.
Cho nên, hài hước còn là biểu hiện về học thức và đạo đức, là phong độ tao nhã của con người. Nhà hài hước chẳng những tài giỏi, nhanh nhạy, rất chú ý đến những mẫu chuyện lý thú, biết chọn thời cơ, đối tượng để gây cười, khiến người khác cảm thấy mới lạ. Trên thực tế, nhiều đề tài tồn tại xung quanh chúng ta, nhưng chỉ có những ai tế nhị, biết cách nắm bắt và vận dụng mới mang lại hiệu quả.
Chỉ có cách nắm vững các thủ pháp như khoa trương, cường điệu, châm biếm, bóng gió,… và vận dụng linh hoạt, mới tạo được sự hài hước, gây ấn tượng sâu sắc đối với người khác.
Muốn tập cho mình có tính hài hước, ngoài nền tảng văn hóa và đạo đức cần phải nghe nhiều mẩu chuyện hài hước của người khác, đọc các tác phẩm hài hước, nghe những câu nói hóm hỉnh… dần dần ta mới biết cách vận dụng.
Việc luyện tập này càng quan trong hơn đối với những người có tính cách hướng nội. Cần học cách thưởng thức sự hài hước của người khác, cố gắng giữ cho mình được thoải mái, hoạt bát trước đám đông và cố gắng ăn nói một cách trí tuệ và uyển chuyển. Có lẽ lúc đầu bạn chưa được như ý, nhưng chỉ cần thẳng thắn, rộng lượng, vận dụng thực tiễn một cách tuần tự, tính hài hước sẽ dần dần xuất hiện ở bạn.

15. KỴ SỰ THIÊN KIẾN
Thiên kiến là sự nhận định sai lệch về con người hoặc sự việc, là một hiện tượng thường gặp. Nó tồn tại trong ý thức của mỗi con người. Chúng ta có thể giữ thiên kiến với người từng tiếp xúc, quen biết, thậm chí đối với những người không quen, chưa từng gặp mặt.
Thiên kiến thường nảy sinh từ những tư liệu và thông tin gián tiếp. Tâm lý học gọi đó là ấn tượng cứng nhắc và chia ra hai mặt tích cực và tiêu cực.
Ấn tượng tích cực là luôn nghĩ tốt về đối tượng.
Ấn tượng tiêu cực thì ngược lại.
Dù ấn tượng tốt hay xấu cũng đều không phải là nhìn người, nhìn việc bằng quan điểm khách quan và linh hoạt cho nên dễ rơi vào phiến diện, dễ gây nhầm lẫn.
Ba nguyên nhân đưa đến thói thiên kiến như sau:
1/ Phán xét bằng cái nhìn đầu tiên: Nếu đối tượng tạo cho bạn ấn tượng ban đầu tốt, bạn cho là người tốt, đối xử thân thiện. Nếu ấn tượng ban đầu xấu, bạn cho là người xấu, đối xử lạnh nhạt.
2/ Phản ứng tuần hoàn: Sự giao tiếp giữa con người với nhau là quá trình tác động qua lại. Khi bạn đối xử với người khác bằng thái độ tốt hoặc xấu, cũng sẽ nhận được sự đáp lại tương ứng. Khi bạn có ấn tượng xấu với đối phương, sự giao lưu tình cảm tiêu cực giữa đôi bên sẽ thêm gay cấn, khiến ấn tượng ban đầu càng xấu thêm, thiên kiến nặng hơn.
3/ Suy đoán phiến diện: Nếu một người nào đó kinh tế eo hẹp, mà suy đoán anh ta là kẻ tham lam hoặc có tật trộm cắp thì thật sai lầm, muốn khắc phục cần phải:
a/ Đừng bị hình thức bên ngoài mê hoặc, tránh “xem mặt bắt hình dong”.
b/ Đối xử mọi người bằng thái độ chân tình.
c/ Hãy đứng trên lập trường của đối phương để xem xét vấn đề, qua đó sẽ thấy được sự tác hại của sự thiên kiến.
16. KỴ SỰ ĐA NGHI
Một câu chuyện xưa kể rằng: có một người mất chiếc búa, nghi cho người con trai hàng xóm ăn cắp. Chú ý quan sát anh ta thấy dáng vẻ, cử chỉ của hắn đúng là một tên trộm. Nhưng sau đó người này đã tìm thấy chiếc búa khi đào đất, quay về nhà gặp người con trai hàng xóm, anh ta lại cảm thấy hắn có vẻ đàng hoàng.
Giả sử người đó không tìm được chiếc búa thì kết quả sẽ ra sao? Một là sẽ tìm cách canh chừng nhà hàng xóm, hai là kiếm chuyện để gây sự. Hai khả năng trên đều dẫn đến mâu thuẫn trong quan hệ chòm xóm, đưa đến tranh chấp lơn. Qua đó, ta thấy sự tin cậy là vần đề quan trọng trong quá trình xử lý quan hệ xóm giềng.
Mức độ tin cậy giữa những người cùng chòm xóm được quyết định bởi sự giao lưu và thông cảm có sâu sắc hay không. Số lần giao lưu càng nhiều, tình cảm hàng xóm càng sâu, càng được thắt chặt. Ví dụ như cách xưng hô thân mặt, sự giúp đỡ lẫn nhau… thậm chí đến mức khi cả gia đình bạn đi vắng, có thể giao lại nhà cho hàng xóm trông chừng. Đến mức này, coi như bạn đã lập được quan hệ tin cậy khá vững chắc với xóm giềng.
Nếu như gia đình bạn với người hàng xóm A có sự tin cậy lẫn nhau, nhưng bạn lại không tin tưởng hàng xóm B, thì bạn không thể vì thế mà ghét bỏ hàng xóm B một cách mù quáng. Vì sự tin cậy không đủ cơ sở để khẳng định sự xấu tốt của hàng xóm. Sự tin cậy cần có quan hệ song phương, các yếu tố như thói quen khác nhau, cá tính khác nhau, đều có thể đưa đến việc thiếu tin cậy và không thông cảm.
Hậu quả của đa nghi là sẽ dẫn đến “đề phòng” và “tấn công”. Cả hai đều không phải là cách xử lý tốt với mối quan hệ hàng xóm.

17. KỴ “XEM MẶT MÀ BẮT HÌNH DONG”
Có nhiều người chỉ vì tôn sùng tiền tài, quyền thế và địa vị mà chà đạp lên nhân cách và lòng tự trọng của người khác.
Điều này thường bắt gặp ở những tiếp viên của các ngành phục vụ; họ đón tiếp ân cần khi gặp người quyền cao chức trọng hoặc giàu có, họ lớn tiếng hách dịch với những người lao động nghèo.
Thực ra, tiếp viên phục vụ làm việc chẳng những cần có nhân cách, mà trên một mức độ nào đó, thái độ phục vụ của họ còn quan hệ đến vấn đề “quốc thể”. Vì vậy nếu đem tiền tài, quyền thế, địa vị cùng với nhân cách và quốc thể đặt lên cán cân để xem ai đáng trọng, ai đáng khinh thì điều đó đáng để chúng ta suy ngẫm và lựa chọn quyết định chính xác.

18. KỴ VIỆC KHÔNG DÁM LÀM QUEN VỚI NGƯỜI KHÁC GIỚI
Nhiều người, vì lần đầu tiên làm quen thất bại nên sinh ra tâm trạng lo sợ, từ đó về sau rất ngại tiếp xúc với người khác giới. Muốn khắc phục điểm yếu này, cần phải:
Tự phân tích, tìm ra nguyên nhân thất bại, vì tâm sinh lý của nam và nữ khác nhau, tạo ra những khó khăn nhất định khi làm quen. Ví dụ, cô A thiếu tự tin, hành động nhút nhát; anh B không có tài ăn nói, nên cần ta tìm ra nguyên nhân của những hạn chế đó trong giao tiếp rồi tìm cách khắc phục, dần dần ta sẽ bớt lo ngại.
Thất bại trong lần đầu, khi làm quen với một người đều là việc của quá khứ. Chỉ cần ta giữ vững niềm tin và can đảm, phát huy ưu điểm của mình thì lần sau nếu làm quen với một người khác, ta sẽ có cơ hội giành thắng lợi.
Chú ý cách làm quen: Chớ nên tùy tiện lỗ mãng, cũng đừng quá lo sợ, khép nép, thái độ nên tự nhiên có chừng mực, thì dễ gây được cảm tình với đối phương. Lần đầu tiên gặp mặt nên tránh hỏi đối phương những vẫn đề quá “riêng tư”, nên trao đỏi những câu chuyện về học tập, công việc và những điều mà đối phương cảm thấy hứng thú, để tránh sự hiểu lầm không cần thiết.

19. KỴ VIỆC KHEN TẶNG KHÔNG ĐÚNG NƠI ĐÚNG LÚC.
Trong giao thiệp, nếu sử dụng lời khen thích hợp, sẽ mang lại hiệu quả tốt đẹp như khi ta nói lời chúc tụng trong những bữa tiệc mừng, khiến chủ nhân vui vẻ, bạn lại vừa nâng cao được uy tín cá nhân.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ hoàn cảnh, không gian, đối tượng và thời gian để có lời khen và lời chúc tụng cho thích hợp. Vì nếu sử dụng không đúng nơi đúng lúc, chẳng những lời khen không mang lại hiệu quả như ý muốn, mà còn tạo cho người khác cảm giác bạn là người ranh ma, giả dối.
Các điểm cần chú ý là:
1) Nếu đối tượng bạn khen là nữ: Lời lẽ cần lễ phép, uyển chuyển và tươi vui lành mạnh. Ăn mặc là vấn đề được phái nữ quan tâm. Nên lời khen có thể xoay quanh khuôn mặt, dáng người và cách ăn mặc cho thích hợp. Khi tâm lý được thỏa mãn, không khí giao tiếp sẽ tốt hơn.
2) Nếu đối tượng bạn khen là nam: Cần xoay quanh vấn đề sức khỏe, ý chí phong độ và tri thức của đối tượng vì đây chính là điểm hấp dẫn của phái nam, khen ngợi không nên vượt quá phạm vi trên.
3) Trong những bữa tiệc tùng, chủ đề trao đổi thường tập trung vào món ăn và sức khỏe. Chủ nhà nên nói những lời chúc tụng khách để làm tăng không khí vui tươi. Nếu bạn là khách mời cần có lời khen món ăn ngon và tài nấu ăn của chủ nhà.
4) Qua cuộc trao đổi, cần chú ý cách lập luận sâu sắc của đối phương, và có lời khen đúng lúc, có ý kiến trao đổi thích đáng bạn sẽ làm cho cuộc trò chuyện thêm vui vẻ.

20. KỴ SỰ KHÔNG PHÙ HỢP TRONG GIAO TIẾP
Lời nói không phù hợp thường dẫn đến kết quả xấu trong quan hệ kết bạn, tình yêu, làm ăn,…. Muốn khắc phục vấn đề trên cần chú ý tránh các điểm như sau:
1) Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược: khi đối phương có việc cần nhờ đến bạn, bạn lại bàn với anh ta vấn đề khác, đương nhiên sẽ không ăn ý.
2) Quá khách sáo. Khác sáo tuy cần nhưng nếu quá đáng thì sẽ tạo nên bức tường ngăn cách, tạo không khí thiếu chân thành thân mật.
3) Thái độ giả dối: nếu ta luôn giữ thái độ tránh né, hư hư thật thật, thì khó tìm được bạn tâm  giao.
4) Quên ơn những người đã giúp đỡ mình.
5) Tránh đụng chạm những khuyết điểm của người khác như nhắc đến những khuyết điểm về thể hình đối với người tàn tật, k hoe của với những người nghèo khó… đều gây cho đối phương sự bất mãn.
6) Không giữ chữ tín với người khác.
7) Cửa quyền hách dịch, làm bộ làm tịch. Muốn trao đổi với người khác được ăn ý. Cần có sự chân thành, tôn trọng và thông cảm đối phương, đừng thất tín, ăn nói phải cẩn thận và khiêm tốn.

21. KỴ SỰ ĂN NÓI THIẾU TẾ NHỊ
Ăn nói thiếu tế nhị, dễ làm mất cảm tình của những người thân quen. Dưới đây là những điều cần tránh:
1/ Đặt câu hỏi phải tế nhị, vừa phải. Những lúc trò chuyện, người ta thích được thoải mái, nên khi cần đặt câu hỏi, nên tránh nêu những vấn đề to tát, đưa đối phương vào thế kẹt. Chủ đề đặt ra cần là những vấn đề quen thuộc với đối tượng, tránh đưa họ vào thế bí. Chỉ nên hỏi những sự việc gần đây, tránh hỏi những gì xa xưa và tương lai mà họ chưa biết được.
2/ Phải  biết lắng nghe, nhìn chăm chú vào đối phương, lưu ý lắng nghe, đừng tỏ ra lơ là, khiến đối phương hiểu lầm bạn là kẻ cao ngạo cần tiếp lời đúng lúc ví như:
 - Lời câu nói rất có lý.
- Điểm thứ hai cậu nói tôi chưa rõ mấy, cậu có thể nói cụ thể hơn không?
Sẽ làm cho đối phương cảm thấy cao hứng và muốn nói tiếp. Có thể bạn vừa nghe vừa tóm lại nội dung vấn đề mà đối phương đang nói để nhớ cho kỹ, khi cần có thể bàn bạc sâu hơn.
3/ Cần chú ý quan sát: qua sắc mặt, tư thế, động tác của đối phương, cần đoán biết tâm trạng và suy tư của họ, để kịp thời chấn chỉnh lại nội dung cuộc đàm thoại. Ví dụ: Khi đối phương cứ nhìn đồng hồ, biết là họ có chuyện cần phải đi, bạn không nên kéo dài thêm câu chuyện.
4/ Phân rõ đối tượng để có cách ứng xử thích hợp. Thường có thể chia làm 5 dạng đối tượng: dạng thao thao bất tuyệt, dạng ít nói, dạng trầm mặc, dạng thích nói mà không thích nghe, dạng thích nghe mà không thích nói…

22. KỴ SỰ NHỎ MỌN
Những ai có tính ích kỷ, thích tính toán chi ly, thì đều là người nhỏ mọn. Phụ nữ thường mắc phải nhược điểm này, phái nữ tính tình thường ôn hòa, kỹ lưỡng, khi xử sự thường vì ngại ngùng mà giữ kín tình cảm, ít khi chịu bộc lộ như phái nam, vì vậy dễ gây sự hiểu lầm.
Nhưng thẳng thắn không có nghĩa là ăn nói một cách tùy tiện và phải biểu hiện một cách có văn hóa và có đạo đức.
Phái nữ tuy ôn hòa, nhưng bạn nên tránh châm chích, nói bóng nói gió trong xử sự với nữ đồng nghiệp. Vì điều này dễ làm tổn thương tình bạn.
Tỉ mỉ cẩn thận là ưu điểm của phái nữ. Nhưng khi tỉ mỉ quá đáng sẽ trở thành bệnh đa nghi, luôn để tâm đến thái độ của người khác đối với mình. Cớ sao lại phải quan trọng hóa vấn đề? Hãy bỏ qua nếu chỉ là chuyện nhỏ nhặt, vừa tiết kiệm sức lực, vừa tạo được cảm giác thoải mái và một khi tấm lòng đã rộng mở thì sẽ tạo được tình bạn tốt đẹp.
Cũng đừng quá lưu tâm đến thiếu sót, nhược điểm của người khác. Trong cuộc đời, ai mà tránh khỏi sai lầm? Không nên quá hà khắc với bạn bè. Chỉ cần bạn có sự nhìn nhận thống nhất về sự nghiệp, lý tưởng, nhân sinh quan là đủ.
Thói vạch lá tìm sâu thường gây mất cảm tình với người khác. Cần học cách khoan dung, lý giải và cảm thông, nhất là khi người khác có lời nói và hành động đụng chạm đến bạn.

23. KỴ VIỆC VÔ TÌNH NÓI XẤU NGƯỜI KHÁC
Nói xấu người khác một cách cố tình là việc làm thiếu đạo đức. Người chính trực không bao giờ làm điều này. Nhưng nếu bạn lỡ miệng nói ra một cách vô tình thì phải xử sự ra sao?
Trước hết, bạn phải cảm thấy mình có lỗi và tự bào chữa rằng: “Tôi vô tình mà thôi”. Thậm chí có người khi bị đối phương trách cứ còn tỏ ra không vui. Thái độ này là sai. Lời nói của bạn làm tổn thương người khác, thì dù cố ý hay vô tình bạn cũng đã có lỗi.
Bạn nên tìm cách xin lỗi. Hình thức xin lỗi phải tùy theo mức độ gây tổn thương của lời nói với người đó.
Nếu lời nói đó bị kẻ khác khai thác, làm vũ khí tấn công đối phương thì bạn cần phải xin lỗi công khai, để khôi phục lại danh dự cho đối phương. Nếu lời nói đó liên quan đến chuyện riêng tư của đối phương không tiện nói công khai, thì bạn nên xin lỗi một cách trực diện.
Xin lỗi có thể bằng lời nói, ánh mắt, nụ cười. Điều quan trọng là bạn phải thành tâm nhận lỗi, chớ nặng về việc tự biện bạch hoặc chạy tội, nếu không , lời xin lỗi sẽ chẳng có ý nghĩa gì.

24. KỴ SỰ LẮM LỜI
Có người vì muốn tạo ấn tượng cho người khác bằng sự hiểu biết uyên bác của mình, họ thường làm điệu làm bộ hoặc nói nhiều lời rỗng tuếch, khiến người khác cảm thấy chán chường.
Thực ra, một con người giỏi ăn nói, luôn biết tránh nói ra những gì không nên nói. Những nhà tư tưởng, chính trị, nghệ thuật, khoa học nổi tiếng xưa và nay, rất ít nói trong cuộc sống, nhưng họ vẫn được mọi người yêu mến và tôn kính.
Khi chúng ta muốn trình bày một vấn đề, một ý kiến, nếu chưa suy nghĩ chín chắn hoặc chưa tìm được những nhận định sâu sắc, tốt nhất là nên im lặng, chờ đợi cơ hội thích hợp.

25. KỴ SỰ HAO PHÍ THỜI GIAN
Hao phí thời gian, chính là lãng phí cuộc đời. Tiết kiệm thời gian là điều cần thiết của con người hiện đại trong giao thiệp. Khi quan hệ xã hội được mở rộng, giao tiếp cũng tăng lên, nhưng quĩ thời gian có hạn. Vậy chúng ta phải phân bổ như thế nào?
Dưới đây xin giới thiệu một số phương pháp phân bổ thời gian giao tiếp:
1/ Chuẩn bị sẵn mục đích, nội dụng và cách thức giao tiếp để có thể khi gặp mặt là đi ngay vào vấn đề. Phải lên chương trinh của cuộc gặp gỡ trước và đến hẹn đúng giờ.
2/ Gặp nhau xã giao vài câu là cần thiết, nhưng đừng quá dài dòng. Khi đi vào trao đổi vấn đề chính, nếu có nội dung mới nói nhiều, không thì nên nói ngắn gọn. Vì con người ta chỉ giữ sự tỉnh táo và phản ứng linh hoạt trong một giai đoạn nào đó của quá trình giao tiếp, nên khi bạn kể chuyện, mà đối phương chỉ gật đầu không trả lời, thì tốt nhất là đừng nói tiếp nữa.
3/ Cần có lúc tăng lúc giảm để điều tiết không khí cuộc đối thoại. Nếu bạn có thể gọi điện thoại để giải quyết được vấn đề thì bạn khỏi phải hẹn gặp mặt. Nếu có thể tâm sự một cách cởi mở thành thật thì tuyệt đối không nên vội vã.
4/ Muốn nắm được nhiều thông tin trong thời gian ngắn, bạn cần mở rộng quan hệ giao thiệp, vì vậy phải rút ngắn thời gian tiếp xúc. Bạn có thể hẹn gặp những đối tượng giao lưu trong cùng một lúc tại cùng một thời điểm ví như tiệm cà phê, tiệm trà,… Nếu đối phương là người thích dài dòng, bạn cần xử sự như sau:
- Chủ động đến gặp người lắm lời, bàn xong công việc, lập tức cáo từ.
- Khi bạn đang bận, gặp người vô tích sự đến thăm, bạn cứ tiếp tục công việc, để họ tự rút lui.
- Nhắc khéo đối phương: “Trước khi bạn ra về, tôi dẫn bạn đi tham quan vườn nhà”, lợi dụng cơ hội tiễn đối phương ra cửa.
- Hẹn gặp người có bệnh nói dai vào giờ sắp có cuộc họp, để bạn có cớ kết thúc câu chuyện sớm.

26. KỴ SỰ TỰ TY
Tự ty là căn bệnh tự đánh giá thấp về mình, cho rằng mình không được bằng người khác, sinh ra tâm lí bi quan thất vọng, mất niềm tin. Nguyên nhân đưa đến tâm trạng trên là:
1/ Thiếu kinh nghiệm trong cuộc sống, ít tiếp xúc với người lạ, sợ bị chế giễu, tạo nên tâm lý hoang mang, thiếu tự tin.
2/ Có khuyết tật sinh lý: Thấp lùn, khuôn mặt xấu, nói lắp, bị tàn tật,…
3/ Khuyết tật về tâm lý: tính thích cô độc, không biết cách ăn nói, trí nhớ kém, kinh tế khó khăn. Cần tìm cách khắc phục như sau:
- Tự tìm hiểu và đánh giá cao về mình: Trên đời không có người nào hoàn thiện tuyệt đối. Phải thấy được ưu điểm của người khác cũng như của chính mình để củng cố niềm tin của bản thân.
- Mạnh dạn đi bước đầu tiên: Những người tự ti thường không đủ can đảm thử sức trong hiệp đầu, sợ bị cười chê bị đối xử lạnh nhạt. Thực ra, chỉ cần chuẩn bị kỹ càng cho bước đi đầu tiên trong phạm vi khả năng của mình, bạn sẽ thành công. Vượt qua bước đầu tiên, sau này đi tiếp, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn nhiều.
- Tiếp xúc xã hội, tranh thủ giao thiệp với nhiều người, bạn sẽ thoát khỏi khuôn khổ cá nhân hạn hẹp, cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của người khác, tăng cường giao lưu tình cảm, tranh thủ sự giúp đỡ của người khác để càng thêm tin tưởng vào chính mình và cuộc sống.

27. KỴ SỰ NÓI TỤC
Đây là một tệ nạn xã hội. Chỉ cần lưu ý , ta có thể nghe được những câu chửi tục trong đám đông, thậm chí lúc đó còn phát ra từ chính cửa miệng của chúng ta.
Lời nói tục tĩu có ảnh hưởng xấu đến cuộc sống văn mình. Khi người ta có sự tranh chấp mà chửi nhau bằng những lời tục tĩu ầm ĩ, thì nếu một bên kềm chế không được, chuyện bé sẽ xé ra to, đưa đến những rắc rối lớn hơn.
Nói tục thường tiềm ẩn trong hình thái ý thức của con người. Nhiều người lầm tưởng rằng những lời đó có thể làm tăng thêm sức mạnh của câu nói, hoặc sức nặng tình cảm của mình, điều đó gây tác hại còn hơn là sự thô tục. Cho nên, thực hiện việc ăn nói có lễ độ, văn minh là việc là có ý nghĩa rất lớn. Mỗi người chúng ta nên hưởng ứng bằng cách: “Bắt đầu thực hiện từ bản thân”.

28. KỴ SỰ NGƯỢNG NGÙNG
Thế nào gọi là “ngượng”? Ngượng có nghĩa là mắc vỡ và ngại ngùng. Đa số người ta đều có “tế bào ngượng”. Người chai lì thì không nói làm gì, nhưng người quá ngượng ngùng cũng không tốt. Ngượng ngùng sẽ khiến bạn trở nên yếu kém trong giao lưu kết bạn, làm cho cuộc sống của bạn trở nên cô đơn buồn tẻ. Tại sao người ta lại “ngượng ngùng”? Lý do là:
1/ Do yếu kém về sinh lý, tài năng, đạo đức và khả năng xã giao, con người thường có tâm trạng trốn tránh và tự bảo vệ.
2/ Có cá tính hướng nội, không quen giao thiệp với người khác.
3/ Không muốn kết bạn với người giỏi hơn mình, sợ không tương xứng.
4/ Gặp trắc trở trong giao lưu với bạn bè, sinh ra tâm lý tránh xa người khác. Muốn khắc phục hãy tìm cách:
- Nếu bạn không tìm được nguyên nhân của sự ngượng ngùng, điều đó có lẽ là bạn thiếu kinh nghiệm xã giao, có tính hướng nội. Chỉ cần tham gia nhiều hoạt động xã hội, tiếp xúc với người khác nhiều hơn, bạn sẽ dần dần khắc phục được.
- Nếu bạn sợ người khác phát hiện và chê cười khuyết điểm của mình, hãy cố tìm cách khắc phục khuyết điểm đó, đồng thời tạo cho mình những ưu điểm khác. Ví dụ: Nếu bạn cảm thấy mình yếu kém về học thức, hãy tiếp tục đi học, đồng thời ra sức làm việc, bồi dưỡng  năng lực và giữ được chữ tín, bạn sẽ có thêm ưu điểm và xóa được khuyết điểm.
- Nếu bạn chỉ vì sự trục trặc buổi đầu trong giao tiếp mà trở nên tự ti, bạn hãy nhìn thẳng vào vấn đề, tìm ra mặt tích cực trong xã giao, đừng vì một lần thất bại mà chôn vùi cả cuộc đời.
- Đừng đánh giá quá cao đối phương, tự hạ thấp mình. Thực tế cho thấy, tư cách mỗi người đều như nhau. Người càng có thành tựu và địa vị, càng hòa nhã dễ mến, chỉ có những kẻ khoe khoang mới làm bộ làm tịch mà thôi.
Hãy can đảm lên, lấy những người có tính cởi mở tự nhiên là gương sáng, tặng cho mình thói quen ung dung, điềm đạm, khi bước vào xã giao bạn sẽ không còn ngượng ngùng và lắp bắp nữa.

29- KỴ SỰ THẤT LỄ
Là khách được mời, bạn cần chú ý đến cách ăn mặc của mình. Mặc sao cho phù hợp với hoàn cảnh và không khí lúc đó. Khi nhà bạn đang có đám tang bạn đừng ăn mặc lòe loẹt, sặc sỡ.
Ngoài việc chúc tết, dự sinh nhật, dự lễ kết hôn hoặc thăm bệnh, các dịp khác bạn đừng nên mang quà theo.
Đến nhà ai, bạn nên bấm chuông hoặc gõ cửa vài ba lần, tránh đập mạnh cửa hoặc bấm chuông liên hồi, vì như vậy sẽ để lại ấn tượng xấu cho chủ nhà. Khi bạn ngồi vào nơi chủ nhà mời, bạn có thể quan sát quanh khung cảnh trong nhà, nhưng không được tùy tiện bước vào phòng ngủ, nhất là chưa có lời mời của chủ nhà. Khi phát hiện chủ nhà có vẻ mệt mỏi, bạn hãy tự giác cáo lui.
Không nên chê bai người yêu của mình trước mặt người khác, và cũng không nên tỏ ra quá thân mật.
Trong ăn nói, bạn nên tránh dùng lời tục tĩu, đừng hắt hơi, ho trước mặt mọi người. Khi cần thiết, bạn phải che miệng lại và quay đầu đi.
Việc móc tai, ngoáy mũi cũng là sự thất lễ. Chỉ nên làm khi bạn rửa mặt ở nhà.
Bạn không nên cười nói to tiếng trong đám đông, không la lối om sòm trong bữa trưa và đêm khuya để tránh ảnh hưởng tới hàng xóm.
Bạn nên giữ trật tự khi đi xe cộng cộng và khi mua hàng. Mùa mưa bạn cần rũ sạch nước mưa trên áo hoặc dù rồi mới lên xe công cộng hoặc khi xếp hàng, tránh làm cho người khác bị ướt.
Bạn đồng sự gặp nhau cần chào hỏi, không nên quá tự nhiên.
Tóm lại, lễ phép không lệ thuộc vào hình thức mà chỉ cần thành khẩn, hiền hòa, thể hiện sự tộn trọng là đủ.

30- CHÍN ĐIỀU CẦN TRÁNH
1/ Đừng luôn miệng tự khoe khoang mình. Làm như vậy, vô hình trung bạn hạ thấp người khác, đề cao chính mình.
2/ Tránh bàn luận sau lưng người khác, điều này tác hại đến việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với mọi người.
3/ Đừng nói dài dòng vì thời gian rất quý báu. Nên diễn đạt ý của mình một cách rõ ràng, ngắn gọn, để người khác nắm bắt được một cách dễ dàng.
4/ Đừng chủ quan mà thốt lên những câu nói vô tình.
5/ Tránh đả kích sự yếu kém của người khác, nhất là lúc trao đổi trước đám đông, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến lòng tự trọng của người khác, dẫn đến những chuyện không vui.
6/ Đừng buộc miệng nói ra bí mật của khác, nhất là trước đám đông.
7/ Đừng tỏ ra bạn là ân nhân của người khác, tương trợ khi người khác cần, đó chỉ là tình nghĩa bạn bè, nếu bạn nhắc trước đám đông, người chịu ơn sẽ cảm thấy khó chịu.
8/ Đừng quên ân huệ của người khác ban cho mình, khi cần nên nhắc lại và tỏ lời cám ơn người đó, để chứng tỏ bạn là người luôn biết ghi nhớ công ơn.
9/ Không nói khoác, không bội tín. Nói khoác sẽ làm mất tín nhiệm của người khác đối với bạn. Đây là một tổn thất rất lớn. Tránh nói mà không làm, nếu thấy làm không được, thì đừng nói ra. Kỵ nhất là sự khoác lác.

Comments

Popular Posts