10 tiêu chuẩn chọn bạn đời

Ghi chú: Bài này tôi viết năm 2008, sau này nghiệm thấy vợ chồng là điều người ta không thể lựa chọn được mà do duyên nợ sắp đặt. Tuy nhiên tôi vẫn muốn đăng lại bài viết ở đây vì xét thấy bài viết vẫn có giá trị trong việc nhìn nhận người bạn đời (hoặc sẽ là bạn đời) của mình và bài viết cũng có giá trị trong việc tự hoàn thiện bản thân.


Nhiều người lấy vợ lấy chồng vì những lý do đơn giản như: “Cô ấy dễ thương”, “Anh ấy ân cần, hào hoa”. Liệu “dễ thương” hay “ân cần, hào hoa” đã đủ để chúng ta đi đến quyết định hôn nhân - một quyết định có thể nói là quan trọng nhất trong cuộc đời - hay chưa?

Bài viết này bàn về 10 yếu tố cần cân nhắc khi chọn vợ. Các bạn nữ cũng có thể dựa vào 10 yếu tố này để cân nhắc khi chọn chồng.

1. Khỏe mạnh

Hạnh phúc của con người được xây dựng dựa trên 2 yếu tố: khỏe mạnh về thể chất và khỏe mạnh về tinh thần. Người có khỏe mạnh về thể chất và khỏe mạnh về tinh thần mới không là một cái nợ cho xã hội và mới lo được cho người khác. Chưa mang lại được hạnh phúc cho chính mình thì làm sao có thể mang lại hạnh phúc cho người khác? Người vợ nếu là một "lọ nghiền thuốc" sẽ là một gánh nặng rất lớn đối với chồng.

2. Suy nghĩ tích cực - lạc quan

Suy nghĩ tích cực, lạc quan chính là sự khỏe mạnh về tinh thần. Cuộc sống luôn có những khó khăn và không ai biết trước những khó khăn gì sẽ đến với mình trong tương lai. Có lẽ không một ai muốn chung sống với người bạn đời có những suy nghĩ tiêu cực, chán nản, khóc lóc, bi quan... mỗi khi gặp khó khăn. 

Người vợ có suy nghĩ tích cực, lạc quan sẽ giúp hai vợ chồng có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn trở ngại trong cuộc sống.

3. Biết đủ

Trong những cái họa, có lẽ không có cái họa nào lớn bằng không biết đủ.

Mọi thứ trong cuộc đời này đều có cái giá của nó. Người vợ lý tưởng là người không tham lam: không tham tiền, không tham công danh, không tham sự nghiệp. Người vợ biết đủ sẽ không so bì chồng mình với người khác, không đứng núi này trông núi nọ, biết hài lòng với những cái mình có. Biết đủ cũng có nghĩa là biết điểm dừng khi cần thiết.

Để quan sát người phụ nữ có biết đủ hay không cần để ý cô ấy có phải là người thích đi siêu thị (shopping), thích thay điện thoại di động, thích bàn về các kiểu xe ô tô đời mới, hay luôn so sánh hoàn cảnh của mình với hoàn cảnh của người người khác hay không…

4. Nhường nhịn, biết nghĩ đến người khác

Một điều nhịn, chín điều lành. Người vợ khôn là người biết trùng xuống khi chồng đang nóng giận và sẽ nhẹ nhàng trao đổi với chồng khi cơn nóng giận đã qua. Nhường nhịn là biết cho trước khi nhận, biết vui lòng chấp nhận phần thiệt, hy sinh, chịu đựng ở mức có thể về mình để được những lợi ích về lâu dài. Nhường nhịn cũng bao hàm không nóng tính, không dễ bị kích động làm cho nổi giận.

Người vợ lý tưởng cũng là người biết nghĩ đến lợi ích của người khác, không ích kỷ, có lòng nhân hậu, vị tha và có khả năng cảm thông với hoàn cảnh của người khác.

5. Làm tốt công việc nội trợ, chăm sóc gia đình

Muốn làm tốt việc gì phải yêu thích và có trách nhiệm với công việc đó. Muốn làm tốt công việc chăm sóc gia đình thì phải yêu thích và có trách nhiệm với công việc chăm sóc gia đình.

Có thể họ không nói ra nhưng trong sâu thẳm tâm hồn người chồng nào cũng biết ơn một người vợ chăm chỉ lo toan trong gia đình, biết ơn một người vợ biết nấu ăn ngon, biết chăm sóc nhà cửa gọn gàng sạch sẽ, chăm sóc con cái khỏe mạnh.

6. Hợp nhau trong quan hệ chăn gối vợ chồng

Có 2 điều quan trọng trong số những điều mang lại hạnh phúc cho con người trong cuộc sống thế tục này đó là: (1) thỏa mãn trong quan hệ tình dục và (2) ăn ngon. Không hợp nhau trong sinh hoạt vợ chồng là mất đi một sự hòa hợp rất lớn trong gia đình. Thỏa mãn về tình dục là rất quan trọng đối với cả hai vợ chồng. Nếu vợ không đáp ứng được trong quan hệ tình dục thì có thể người chồng sẽ đi tìm sự thỏa mãn ở nơi khác. Nếu chồng không thỏa mãn được người vợ cũng sẽ là một thiệt thòi rất lớn cho người vợ.

7. Hợp nhau về quan điểm sống

Có người coi hạnh phúc là kiếm được thật nhiều tiền và hưởng thụ cuộc sống. Có người lại tìm thấy niềm vui trong việc giúp đỡ và mang lại hạnh phúc cho mọi người. Quan điểm sống của mỗi người là khác nhau và nó chi phối mạnh mẽ hành vi và cách ứng xử của mỗi người.

Để cuộc sống gia đình mang lại hạnh phúc một cách lâu dài, vợ chồng cần phải hợp nhau hay ít ra tìm được tiếng nói chung trong các quan điểm về hạnh phúc, về cách cư xử với mọi người, về cách nuôi dạy con cái...

8. Có duyên trong mắt chồng

Vợ có duyên trong mắt chồng mình là đủ, không cần xinh đẹp với tất cả mọi người. Thậm chí người vợ được tất cả mọi người nhìn nhận là xinh đẹp sẽ là một mối họa cho hạnh phúc gia đình. Nếu vợ không có duyên thì cũng nên biết cách ăn mặc, trang điểm. Được như vậy chồng cũng cảm thấy tự hào, hãnh diện với bạn bè.

9. Có kinh nghiệm sống

Có trải qua đau khổ, cay đắng con người ta mới biết nâng niu, quý trọng cái mình đang có, mới nghiệm ra được những điều mà nếu sống êm đềm, hạnh phúc ta không thể nhận ra.

Vợ lớn tuổi sẽ già hơn, nhưng thông thường cũng hiểu biết hơn, biết cách chăm sóc nhà cửa, gia đình, và biết chiều chồng hơn. Nếu lấy vợ trẻ thì người chồng sẽ hãnh diện với bạn bè hơn (vì lấy được vợ trẻ), nhưng bù lại người chồng cũng phải chiều người vợ trẻ hơn. Cuộc đời là vậy, được cái này thì sẽ mất cái kia. Điều quan trọng là mỗi chúng ta sẽ lựa chọn cho mình được cái nào và chấp nhận mất cái nào.

“Có phúc lấy được vợ già
Sạch cửa sạch nhà lại ngọt cơm canh
Vô phúc lấy phải trẻ ranh
Nó ăn nó bỏ tan tành nó đi”


10. Gắn bó với nhau bằng ân tình, ân nghĩa

Đối với người phụ nữ chữ ân thường đi với chữ tình, ân càng sâu thì tình càng nặng. Người đàn ông cũng thường yêu thương người mà mình bao bọc, che chở. Những ân tình, ân nghĩa là sợi dây gắn bó hai người. Rút cục, những cảm xúc bồng bột của tình yêu rồi sẽ qua đi. Chỉ có tình nghĩa đằm thắm do mang ơn lẫn nhau là sẽ còn lại với thời gian.

Tiêu chuẩn nào quan trọng, tiêu chuẩn nào không quan trọng?

6 tiêu chuẩn đầu tiên (từ 1 đến 6) là nền tảng cho hạnh phúc gia đình. Nếu thiếu 1 trong 6 tiêu chuẩn này hạnh phúc gia đình sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. 4 tiêu chuẩn cuối (từ 7 đến 10) mang tính bổ sung làm cho hạnh phúc gia đình được trọn vẹn hơn.

Ít người phụ nữ có đủ 10 tiêu chuẩn trên. Đây chỉ là định hướng hay nói đúng hơn là những tiêu chí để cân nhắc trước khi quyết định chung sống suốt đời với một người. Người vợ càng hội tụ nhiều tiêu chuẩn thì cuộc hôn nhân càng có khả năng bền vững và mang lại hạnh phúc cho hai người.

Những tính xấu tối kỵ không nên có ở người phụ nữ

Có những tính xấu có thể bỏ qua, có những tính xấu là tai hoạ cho hạnh phúc gia đình. Người vợ mắc một hay nhiều trong số 12 tính xấu dưới đây (đặc biệt các tính xấu từ 1 đến 6) là mang một mối họa lớn cho hạnh phúc và sự yên ấm của gia đình:

1. Sức khỏe kém (không phải tính xấu nhưng không nên có)
2. Suy nghĩ tiêu cực, bi quan
3. Tham lam (tham tiền, tham công danh, tham sự nghiệp)
4. Ích kỷ (chỉ biết nghĩ sướng cho bản thân mình)
5. Lẳng lơ (đa tình)
6. Nóng nảy
7. Ham chơi (ham vui)
8. Nói nhiều
9. Hiếu thắng (thích tranh luận)
10. Hay khóc lóc (mau nước mắt)
11. Hay tự ái (lòng tự ái quá lớn)
12. Hay ghen tuông (ghen tuông bóng gió)

Khi chưa lập gia đình, một chút các tính xấu từ 7 đến 12 của người bạn gái có thể là “gia vị” cho tình yêu: ghen tuông một chút, tự ái một chút, nước mắt một chút... sẽ làm cho tình yêu thú vị hơn. Nhưng khi đã thành vợ thành chồng thì những "gia vị" này, nếu diễn ra một cách thường xuyên, sẽ gây ra bầu không khí căng thẳng trong gia đình và có thể làm đánh mất tình yêu của người chồng.

Tính cách có thể thay đổi?

Thay đổi suy nghĩ của bản thân sẽ trực tiếp hay gián tiếp thay đổi tính cách một con người. Tất nhiên đây là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều cố gắng, và không thể diễn ra trong ngày một ngày hai.

Chúc bạn và tôi, chúng ta may mắn và tỉnh táo trong việc lựa chọn bạn đời!

-----------------

Bổ sung:

Tôi xin trả lời những ai nói tiêu chuẩn này là quá khó không thể đạt được:

Xin thử đọc 10 tiêu chuẩn trên và tự hỏi có tiêu chuẩn nào nằm ngoài ý chí và khả năng của các cô gái không? 10 tiêu chuẩn này không hề đòi hỏi người phụ nữ đó phải xuất thân trong gia đình như thế nào, của hồi môn nhiều hay ít, không hề đòi hỏi nhan sắc cô ta phải lộng lẫy, cũng không hề đòi hỏi người phụ nữ đó phải được học hành tử tế hày phải có một công ăn việc làm ổn định, cũng không đòi hỏi người phụ nữ còn trinh tiết (cái mà nhiều người đàn ông đòi hỏi).

Có một suy nghĩ đúng đắn và tích cực thì sẽ có:

1. Sức khoẻ => Bắt nguồn từ suy nghĩ mà ra, biết giữ gìn sức khoẻ thì sẽ có sức khoẻ
2. Suy nghĩ tích cực, lạc quan => Bắt nguồn từ suy nghĩ
3. Biết đủ => Bắt nguồn từ suy nghĩ
4. Nhường nhịn, biết nghĩ đến người khác => Bắt nguồn từ suy nghĩ
5. Làm tốt công việc nội trợ, chăm sóc gia đình => Cái này hoàn toàn học được chỉ có điều là có muốn học không mà thôi.
6. Hợp nhau trong chuyện chăn gôi vợ chồng => Chuyện này hơi tế nhị một chút nhưng có thể nói biết nghĩ đến người khác một chút là sẽ có cái này.
7. Hợp nhau trong chuyện ăn uống => Học một chút là làm được
8. Có duyên trong mắt chồng => Chịu khó học trang điểm một chút là được
9. Có kinh nghiệm sống => Cái này đòi hỏi thời gian
10. Gắn bó với nhau qua nhiều kỷ niệm => Cái này đòi hỏi thời gian.

Như vậy có được một suy nghĩ đúng đắn là có được 8 trên 10 yếu tố rồi còn gì (2 yếu tố cuối đòi hỏi thời gian).

Vậy thì 10 tiêu chuẩn này khó cái nỗi gì? Vì sao mà khó đạt được đến vậy? Vậy thì nhà trường, bố mẹ của các cô gái (và cả các cậu con trai) đang dạy con mình điều gì? Các cô gái được học những điều gì để chuẩn bị làm vợ làm mẹ?

Nhìn ra xung quanh bạn bè, phim ảnh thì sao: phụ nữ sinh ra sẽ được sung sướng, sẽ được đàn ông cưng chiều => The blind lead the blind, không có cái gì tự nhiên đến với mình cả, cái gì cũng phải nhờ nỗ lực và cố gắng của bản thân thì mới có => Thật là một lỗ hổng lớn trong giáo dục hiện này.

------------

Trả lời câu hỏi: Người chồng nên dạy vợ

Nói thì hơi tiêu cực nhưng tôi không tin là ai đó có thể dạy một ai đó trên cuộc đời này. Sự thật là vậy và phải chấp nhận sự thật này (chính tôi cũng không muốn chấp nhận sự thật này).

Dạy nhau ư, có chăng chỉ là những cái giống nhau sẽ tìm đến và cộng hưởng với những cái giống nhau mà thôi. Có thể loằng ngoằng, phức tạp, lắt léo... nhưng rút cục những cái giống nhau sẽ tìm đến với nhau.

Đồng thì nói nửa câu cũng hiểu. Không đồng thì có nói hàng năm cũng vô nghĩa.

Ví dụ như thế này cho dễ hiểu: mình nghe một câu nói hay, đọc một bài viết hay mình tâm đắc, mình gật gù... Có phải là lúc đó mình học hỏi được một cái gì mới không? Xin trả lời: Hoàn toàn không!

Chả qua lúc đó (cái lúc mà mình cảm thấy hay) chính là lúc mình nghe thấy tiếng dội (tiếng vọng) từ sâu thẳm trong lòng mình, và lúc đó mình cảm thấy một sự gần gũi, một sự đồng cảm, một sự động viên với những điều mình ấp ủ lâu ngày => Thế là mình cảm thấy hay.

Nói tóm lại người ta nhìn thấy hình ảnh của chính mình (không phải hình ảnh của người khác) ở những điều người ta đọc được, nghe được.

Comments

Popular Posts