Work @ Coca-Cola Việt Nam: sự trao quyền và tinh thần gắn kết

Trước đây, trong các chuyến công tác hay du lịch ở Châu Âu, tôi chỉ thấy sự hiện diện của Coca-Cola mà không phải thương hiệu đồ uống nào khác. Điều này khiến tôi cảm thấy vô cùng thú vị và tò mò tự hỏi rằng sao Coca-Cola có thể tồn tại và phát triển mạnh mẽ đến vậy. Giờ đây, khi đã là một thành viên của Coca-Cola Việt Nam, tôi đã tìm ra lời giải đáp cho câu hỏi của mình. 
Cụm từ “trao quyền” dường như được đề cập khá phổ biến trong các câu chuyện về nhân sự. Nhưng với tôi, khó có công ty nào thực hiện việc “trao quyền” một cách cao độ và nghiêm túc như ở Coke và có lẽ chính văn hóa này là khởi nguồn cho mọi chiến lược nhân sự tại đây. Tại Coke, văn hóa trao quyền là cực kỳ cao và phụ thuộc nhiều vào chiến lược nhân sự của ban lãnh đạo tại địa phương. Ban lãnh đạo của Coke không tin vào việc có một chiến lược chung mà nó cần được tùy chỉnh theo nhu cầu và đặc điểm của từng nơi. Mỗi địa phương sẽ có những thế mạnh riêng và khi ta đặt thế mạnh ấy vào đúng chỗ họ sẽ tạo nên vị thế, thương hiệu ngược lại cho toàn cầu. Nói một cách cụ thể, chiến lược nhân sự ở Coke được chia thành 3 phần B là Build (Xây dựng nguồn lực nội bộ), Buy (Thu hút nguồn lực bên ngoài) và Borrow (Mượn nguồn lực từ tập đoàn)
Borrow được thể hiện rất rõ qua những người nước ngoài làm việc tại Coke, họ sẽ đánh giá năng lực của các nhóm như thế nào so với lượng người nước ngoài mà họ cần có trong nhóm lãnh đạo cao cấp. Với một số vị trí mà nguồn nhân lực địa phương chưa đáp ứng được, chúng tôi sẽ “mượn” những chuyên gia trong hệ thống để đến Việt Nam để thực hiện công việc, từ đó xây dựng và phát triển nguồn lực địa phương. Chúng tôi rất tự hào vì người nước ngoài trong ban lãnh đạo ở Coca-Cola Việt Nam chỉ có CEO, CFO và một số bạn bên bộ phận IT, còn lại đều là người Việt Nam. Bộ phận IT tại Việt Nam cũng đảm nhận công việc ở một số nước khác trong khu vực. Hầu hết nhân sự tại Coca-Cola Việt Nam là người Việt và chúng tôi tập trung rất nhiều vào nhóm nguồn lực này.
Còn với Buy – nguồn lực từ bên ngoài, chúng tôi cũng luôn cần có sự đa dạng hoá. Chúng tôi luôn muốn lúc nào cũng mang tính cạnh tranh và dung hoà giữa Buy và Build – nguồn lực được xây dựng từ nội bộ và nguồn lực từ bên ngoài - 2 phần đó gần như đã chiếm đến gần 90% trong lực lượng lao động của chúng tôi.
Và Build – xây dựng nguồn lực nội bộ là 1 trong những chiến lược rất quan trọng không chỉ ở Việt Nam mà ở tất cả những nước khác. Dù ở mỗi nơi thì đều có những chiến lược khác nhau, nhưng Build luôn là ngôn ngữ chung. Đối với Coca-cola, chúng tôi tin tưởng vào đội ngũ millennials là thành công sống còn của công ty trong hiện tại và tương lai nên công ty sẽ xây dựng môi trường làm việc năng động để thu hút nhóm này và tạo điều kiện để họ phát triển cùng với công ty. Và đây là một chiến lược mà bất kể nước nào, văn phòng nào, kể cả trụ sở chính ở Alanta, Mỹ cũng sẽ làm theo. Nhóm nhân lực millennials là những người thế hệ 8x, và hiện tại họ cũng đã trưởng thành. Nhưng họ khác những người thế hệ 7x như chúng tôi. Thế hệ millennials luôn muốn được tự chủ và được công nhận. Tôi vẫn nhớ, khi mới gia nhập Coke, một trong những nội dung mà Tổng Giám đốc trao đổi với tôi chính là: “Nhân viên Coca-Cola lúc nào cũng muốn mình có được sự công nhận và chúng ta cần làm những gì để nhân viên cảm thấy tự hào”. Vì thế, chúng tôi có những chương trình riêng để giúp họ phát huy thế mạnh và trưởng thành từ việc trải nghiệm thực tế.
Và trong chiến lược ấy, sự trao quyền sẽ được thể hiện rõ nhất trong việc xây dựng (Build) đội ngũ nhân sự chất lượng và sáng tạo, đặc biệt là đối với nhóm millennials. Thứ nhất, Coke khuyến khích họ chủ động vạch ra con đường mà họ muốn phát triển. Thứ hai, Coke dám để họ mắc sai lầm, học và trưởng thành từ những sai lầm đó. Chúng tôi không tin rằng công ty có 1 career path. Khi chúng ta có 1 career path, chúng ta đã đặt các tài năng vào thế bị động. Vì khi làm quản trị, tự khoanh vùng phát triển tài năng là mình hạn chế cơ hội để tài năng được phát triển. Tôi còn nhớ, khi nói chuyện với ông Irial phó chủ tịch tập đoàn Coca-Cola, tư tưởng mà tôi học được từ Coke đó là không có giới hạn tài năng. Nếu chúng tôi thấy thế mạnh của bạn mà bạn không dùng được trong công việc, trong công ty thì bạn có thể dùng được bên ngoài. Nhưng khi bạn dùng được những thứ đó bên ngoài thì cái mà Coke sẽ tự hào là bạn đã đến từ Coke, bạn thành công và Coke sẽ giúp bạn xây dựng những nền tảng đầu tiên của sự thành công. Đó là điều chúng tôi hoàn toàn có thể cảm thấy tự hào.
Bên cạnh đó, tôi nhận thấy rằng điều quan trọng hơn cả chính là tinh thần và sự cam kết của các thành viên làm việc tại Coke. Đây chính là chất kết dính và là nguồn năng lượng vô tận tiếp lửa cho bất cứ ai khi tham gia vào Coke, trong đó có cả tôi.

Hoạt động nội bộ giúp xây dựng và gắn kết tinh thần đồng đội giữa các Cokers Nhớ lại thời gian đầu khi mới gia nhập môi trường Coke, với hơn 10 năm kinh nghiệm làm HR ở môi trường ngân hàng, tôi nhận ra rằng những kiến thức về mảng ngân hàng của mình không thể áp dụng ở Coke nữa. Tôi nhớ lĩnh vực ngân hàng đến nỗi mà tôi đọc những tạp chí về ngân hàng và tài chính. Khi tôi đọc những ngôn ngữ FMCG tôi cũng không hiểu gì cả. Tôi tự hỏi liệu đó có phải là quyết định đúng đắn không?
Tôi bắt đầu dốc hết sức và cân đối toàn bộ chi phí nhân sự còn lại và chia theo các mục tiêu. Bên cạnh đó, tôi làm việc chặt chẽ hơn với các bộ phận khác, đặc biệt là bộ phận kinh doanh. Khi tôi đưa ra chỉ tiêu, điều tôi nhận được là sự đồng thuận, quyết tâm của cả đội ngũ. Đó chính là một lời hứa..Khi làm việc cùng bộ phận kinh doanh, chính sự quyết tâm của các bạn, tinh thần và ngọn lửa đỏ của các bạn đã ảnh hưởng đến tôi rất nhiều. Ngọn lửa ấy đã lên dây cót tinh thần cho toàn đội, và cho cả chính bản thân tôi. Và khi chúng tôi đạt được những mục tiêu chung, cảm xúc như vỡ òa mà không có được ở đâu khác!
Cái cam kết, tinh thần chiến đấu của mọi người và tinh thần trong tổ chức là cái làm cho tôi có cảm giác rất may mắn khi mình là 1 phần của 1 Coca-cola. Và tôi thấy rằng mình rất may mắn!
Điều mà chúng tôi luôn nói với nhân viên chính là, “Có thể Coke không phải là công ty trả lương cao nhất, hay có những chế độ đãi ngộ cao nhất. Nhưng Coke là công ty như tôi đã nói với bạn là nơi cho bạn cơ hội, cho bạn trải nghiệm, cho bạn phát triển. Chúng tôi không cần bạn chỉ thành công ở Coke. Thước do của chúng tôi chính là có bao nhiêu người tài đang thành công trong công ty và bao nhiêu người tài đang thành công bên ngoài đã từng làm ở Coke.” Tôi vẫn nhớ, có một người bạn của tôi đã từng làm ở Coke. Và chính người bạn này đã khích lệ tôi đến với Coke khi nói với tôi thế này, “Chị nên thử 1 lần với Coke. Coke lạ lắm, chị cố vượt qua 2-3 tháng đầu tiên, và sau đó chị sẽ ngạc nhiên là chị yêu Coke”. Và giờ đây, tôi đã hiểu đó là cái gì!
Ở Coke, mỗi cá nhân đều là đại sứ thương hiệu. Nó rất mạnh. Tất cả đều được khởi nguồn từ văn hóa trao quyền và tinh thần gắn kết. Bạn có thấy điều đó thật sự đáng kinh ngạc không?
(*) Tác giả: Bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc là Giám đốc Nhân sự của Coca-Cola Việt Nam từ tháng 8 năm 2017.

Comments

Popular Posts