5 lưu ý khi thuê mặt bằng mở nhà hàng, quán ăn
Trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, quán ăn thì mặt bằng là yếu tố có ảnh hưởng then chốt tới sự thành công hay thất bại của nhà đầu tư. Vì thế, việc cân nhắc và lựa chọn thận trọng khi thuê mặt bằng mở quán ăn là một trong những ưu tiên hàng đầu khi tham gia đầu tư vào lĩnh vực này.
Hiện tại, nhu cầu thuê và cho thuê mặt bằng tại các thành phố, đô thị trung tâm là rất lớn, bằng chứng là mỗi ngày có đến hàng trăm mẩu tin cho thuê mặt bằng giá rẻ được đăng trên các trang bất động sản. Tuy nhiên, để chọn được một mặt bằng tốt, thuận lợi cho việc kinh doanh mà lại vừa với túi tiền là không dễ dàng chút nào, nhất là các mặt bằng để kinh doanh nhà hàng, quán ăn. Bạn phải có một kế hoạch chiến lược rõ ràng cũng như trang bị cho mình một số vốn kinh nghiệm nhất định.
1. Lựa chọn địa điểm thuê mặt bằng mở quán ăn
Bạn phải định hướng đâu là đối tượng khách hàng chính mà bạn cần hướng tới, từ đó lên kế hoạch kinh doanh và lựa chọn địa điểm phù hợp.
Ví dụ khi bạn có ý định kinh doanh một quán ăn hướng tới khách hàng là nhân viên văn phòng, bạn cần thuê mặt bằng kinh doanh ở gần những khu vực tập trung nhiều tòa nhà văn phòng, các trung tâm thương mại và tốt nhất là cùng hướng với công ty để thuận lợi cho khách đến quán. Bạn cũng có thể chọn mặt bằng nằm ở phía đối diện bên đường nhưng phải đảm bảo khách có thể qua lại dễ dàng.
Khi đầu tư vào dịch vụ ăn uống thì mặt bằng kinh doanh càng nằm ở vị trí “đắc địa” càng tốt. Nếu bạn có đủ khả năng tài chính thì hãy hướng tới những mặt bằng ở trung tâm, nằm trên trục đường chính, ở ngã tư hay gần các trường học và khu dân cư để thu hút được lượng khách hàng đông đảo hơn. Còn nếu bạn có số vốn tương đối giới hạn thì việc thuê một mặt bằng ở đầu hẻm hay căn tin của một trường học cũng không phải là một ý kiến tồi.
2. Không gian phải đáp ứng nhu cầu khách hàng
Diện tích mặt bằng có thể không cần quá rộng, nhưng điều quan trọng nhất là nên tọa lạc ở vị trí mặt tiềnđể thu hút tầm nhìn của khách, đặc biệt là phải đảm bảo có không gian đậu xe để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng lui tới, không gây phiền hà cho khách vào những giờ cao điểm. Không gian nơi phục vụ cũng cần được chăm chút, cần bố trí đủ ánh sáng và thoáng đãng, giúp khách có cảm giác thoải mái, nhất là trong những ngày tiết trời nóng nực. Không gian trong quán ăn hay nhà hàng cũng cần chú trọng đến phong cách riêng, thể hiện được sự sáng tạo và gu thẩm mỹ của chủ quán.
3. Những yếu tố khác của mặt bằng
Một điều quan trọng bạn cần lưu ý là mặt bằng muốn thuê có tình trạng ra sao: đã có người thuê hay chưa, mặt bằng cho thuê có nằm trong khu vực quy hoạch hay không, lối thoát hiểm, đường điện nước, đường gas, hệ thống cống thoát có đảm bảo hay không… Đối với những quán ăn có không gian dài và hẹp, thì tốt nhất là nên có một lối đi bên hông, vừa để tiếp tế thực phẩm cho khu bếp, và cũng rất hữu ích nếu bạn có ý định trổ cửa sổ để tạo không gian trong quán mát mẻ hơn.
Thuê mặt bằng mở quán ăn thường đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải tu sửa lại mặt bằng theo ý mình. Dĩ nhiên điều này sẽ chiếm của bạn một khoản chi phí không nhỏ. Vì thế trước khi thuê mặt bằng hãy xác định trước xem mặt bằng đó có cần tu sửa nhiều không? Chủ nhà có thể hỗ trợ gì không? Từ đó cân nhắc cho phù hợp với ngân sách đầu tư của bạn. Bạn cũng nên trình bày ý tưởng tu sửa của mình cho chủ nhà để thuyết phục họ đồng ý cho phép bạn thay đổi không gian mặt bằng nữa nhé.
4. Kí kết hợp đồng
Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh ghi những quy định, điều khoản ràng buộc trách nhiệm giữa bạn và chủ mặt bằng cũng như những quyền lợi mỗi bên được hưởng. Hợp đồng càng cụ thể càng tốt, trong đó cần ghi rõ: Thời gian thuê là bao lâu? Diện tích ra sao? Giá thuê bao lâu thì được được tăng? Nếu tăng thì sẽ giới hạn tăng bao nhiêu phần trăm? Nếu đòi lại nhà thì phải đền bù thiệt hại như thế nào? Bạn hãy tìm hiểu kĩ thêm về những điều khoản và dự trù trước chi phí phát sinh và hướng giải quyết cho những tình huống như vậy.
Khi soạn thảo hợp đồng, bạn cần cân nhắc thật kĩ giữa lợi ích và chi phí bỏ ra cũng như lường trước tất cả những vấn đề có thể xảy ra đối với mặt bằng của bạn trong quá trình kinh doanh. Hãy tính toán chính xác không gian thực sự mà bạn sẽ sử dụng, bỏ qua những khoảng không gian chết như cột nhà, cầu thang, hành lang… Bạn cũng nên thỏa thuận với chủ nhà xem ai sẽ là người đóng thuế mặt bằng, tiền điện nước (nếu chủ còn ở chung) và các khoản phí khác. Sau đó đưa ra một cái giá hợp lí cho cả hai bên.
Thông thường thì chủ nhà sẽ yêu cầu bạn kí hợp đồng dài hạn cũng như phải đặt cọc trước một khoản tiền. Nhưng đối với những bạn mới kinh doanh lần đầu thì việc chi ra một khoản tiền lớn mà chưa biết trước được có thành công hay không là một điều khá mạo hiểm. Vậy nên hãy cố gắng thương lượng với chủ nhà sao cho vừa ý cả hai bên. Các quyền được phép cho thuê lại sẽ giúp bạn rất nhiều gánh nặng nếu bạn không có ý định sử dụng hết mặt bằng thuê.
5. Tìm hiểu các quy định kinh doanh tại địa phương
Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng khi đi tìm hiểu mặt bằng kinh doanh. Bạn cần biết rõ những quy định pháp luật, các nguyên tắc và yêu cầu kinh doanh của khu vực sở tại để tránh vi phạm làm ảnh hưởng đến tình hình hoạt động kinh doanh. Một số ví dụ như: không được phép lấn chiếm lòng lề đường làm khu vực đậu xe, hạn chế quảng cáo, thời gian hoạt động… là một số quy định quan trọng cần phải lưu ý.
Như vậy, việc thuê mặt bằng mở quán ăn là không dễ dàng chút nào. Bạn phải quan tâm, cân nhắc khá nhiều vấn đề, cần trang bị cho mình một số kinh nghiệm cũng như khéo léo trong xử lí vấn đề. Bạn có thể lên tham khảo các bài viết kinh nghiệm thuê mặt bằng kinh doanh để tìm hiểu thêm chia sẻ của những người đi trước. Chúc bạn sẽ tìm được cho mình một mặt bằng phù hợp và thành công trên con đường kinh doanh.
Nguồn: chotot.vn
Comments
Post a Comment