Một nghệ thuật sống - Thu Giang Nguyễn Duy Cần

Thêm chú thích

Kẻ thấy rằng mình sở dĩ có hiếu biết chút ít chi đây là nhờ đọc sách nhiều của kẻ khác, tư tưởng của mình sở dĩ có là nhờ tư tưởng của kẻ khác đem lại cho mình, đã quên rằng: nếu người ta có thể truyền dạy được sự hiểu biết cho nhau thì xưa nay thánh nhân đã dạy được cả thiên hạ rồi, mà cha cũng đã dạy đặng con, chồng đã dạy đặng vợ, anh đã dạy đặng em... đâu còn phải cần đến ta dạy nữa. 

Ta quên rằng chỉ có sẵn sự hiểu biết nơi lòng ta rồi, ta mới nghe đặng lời nói của kẻ khác cùng một hiểu biết như ta. Có đồng mới ứng, không đồng không ứng. Sách đọc ngàn kinh muôn quyển, thế sao ta lại không chịu ai cả, lại chịu riêng một nhà nào thôi? Là vì mình với nhà văn ấy có chỗ đồng nhau, như hai sợi dây lên đồng một cung bậc. “Đồng thịnh tương ứng đồng khí tương cầu”, đó là hiện tượng mà khoa học vô tuyến gọi là “hiện tượng cộng hướng” (phénomène do résonance), và đó cũng là mật nhiệm của tạo hóa để tự trong “không” mà sinh ra ‘có”.




Với tôi, đây là một trong những cuốn sách khá khó đọc, bởi ngôn từ theo kiểu cũ, ngữ nghĩa khó hiểu với đa số người đọc trung và trẻ bây giờ. Ngoài ra để hiểu được ý của cuốn sách này, người đọc cần phải có kiến thức, đọc qua cả Phật – Lão – Trang cũng như Khổng triết…và nhiều sách triết học, tâm lý Đông Tây kim cổ khác nữa.
Và sách này, tuy mỏng nhưng cứ để đó, gối đầu giường và thủng thẳng đọc, từ từ ngẫm. Kiểu gì từ tuổi 25 đến tuổi 65 đọc nguyên cuốn này không thôi vẫn sẽ thấy hay, hữu ích.
Chương I: Sống
“Sống” đối với con người là nghĩa là gì ?
Cần để ý phân biệt sự “có đây” và “có sống” là hai lẽ khác xa nhau. “Có đây”, là chỉ có tai, có mắt, có mũi cùng óc suy nghĩ, lòng cảm giác như ai, nhưng có tai mà không biết nghe, chỉ nghe theo cái nghe của người khác, nghe theo thành kiến; có mắt mà không biết xem, chỉ xem theo cái xem của kẻ khác; có mũi mà không biết thở, chỉ thở theo cái thở của kẻ khác; có óc mà không biết suy, chỉ suy theo cái suy của kẻ khác; có tâm mà không biết cảm; chỉ cảm theo cái cảm của kẻ khác… Thế thì, “có đây” không phải là luôn luôn “có sống”.
Phần đông thiên hạ ngày nay, chỉ biết mình “có đây” là đủ, không quan tâm đến coi mình “có sống” hay “chưa có sống”. Sống, có hai nghĩa: Sống cái sống của mình và sống theo cái sống của kẻ khác. Sống theo mình là “có sống”. Sống theo kẻ khác, chưa phải sống.
Chương II: Đi tìm cái Sống
Người ta ở đời, không một sinh vật nào là không thọ của Trời Đất một cái Sống. Cái Sống ấy cùng với Trời Đất là Một, một cái mầm toàn năng, toàn lực, toàn thiện, toàn mỹ.
Phận sự của ta là phải trở về với cái Sống – Một ấy, để Sống cái “Sống Vô cùng” đồng với Trời Đất đang ẩn núp trong đáy lòng. Một hiền triết Hy lạp nói: “Nơi ta là một nguồn suối trong bất tuyệt, hãy đào sâu mãi sẽ gặp”. (Epictète).
Phần đông, chỉ vì không biết trở về “nguồn Sống-Một” ấy của mình, nên không thể nhận thấy được chỗ toàn thiện của mình, mà chỉ thấy toàn là sản vật (sản phẩm) của hoàn cảnh xã hội mà thôi.
Không nhận thấy được sự toàn thiện của mình mới có sanh cái lòng đèo bòng ham muốn cái toàn thiện ngoài mình, bấy giờ mới có lấy sự Phải Quấy của người làm cái Phải Quấy của mình; lấy cái Vinh Nhục của người làm cái Vinh Nhục của mình; lấy cái Lớn Nhỏ của người làm cái Lớn Nhỏ của mình. Đâu có biết rằng cái Phải của người này đâu còn là cái Phải đối với người kia; cái Quấy của người kia đâu còn là cái Quấy của người nọ. Không có cái Phải nào là cái Phải chung cho tất cả mọi người, mà cũng không có cái Quấy nào là cái Quấy chung cho tất cả mọi người được. Vạn vật dưới Trời, không vật nào tự nó là hữu dụng hay vô dụng cả.
Những danh từ Phải Quấy, Tốt Xấu, Vinh Nhục, Lớn Nhỏ… chỉ có cái giá trị tương đối mà thôi. Muốn nói cho đúng hơn thì ta nên nói rằng : chỉ có những cái gì có lợi cho cái Sống của mình là Phải, là Tốt, là Vinh, là Lớn… trái lại đều là Quấy, là Xấu, là Nhục, là Nhỏ cả.
Sống, tức là chiến đấu. Chiến đấu với ngoại cảnh, với những gì có thể làm trở ngại cho đời sống tự do theo bản tánh của mình. Chiến đấu với nội tâm để tìm lại cái quân bình của Tâm Trí. Sống tức là tìm kiếm, suy xét cho ra thế nào là cái lẽ sống chân thật của ta, và thế nào là cái chân giá trị của sự vật bên mình. Vậy, bước đầu tiên trên con đường tìm cái sống của mình là phải luôn luôn hữu tâm, thật hữu tâm trong từng mảnh mún hành vi của mình hằng ngày, nghĩa là đừng sống vô tâm như bộ máy nữa.
Chương III: Cái lẽ Sống của ta
“Người ta thường lấy Vinh làm sướng, lấy Nhục làm khổ, mà chính mình phần đông cũng chưa ai biết sao là thật sướng, sao là thật khổ cả. Sướng, theo phần đông, là thấy mình hơn được người, nhưng trái lại, khổ vì mình cũng còn thua kẻ khác. Thế thì có sướng gì đâu mà gọi là sướng. Chẳng qua sướng hơn kẻ khổ, khổ hơn kẻ sướng mà thôi. Thiên hạ tôn người hiền, trọng kẻ sĩ… chỉ tự mình xúi dục lòng tham lam tranh đấu của kẻ khác. Lão tử đã biết mà nói trước: “bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn.” Người ta, ai ai cũng vì hạnh phúc mà làm. Kẻ đi tìm bằng cách này, người đi tìm bằng cách kia, tuy phương pháp có khác nhau, chung quy cũng chỉ vì ham sướng sợ khổ”…
“Tìm hạnh phúc và sống đặng hạnh phúc là hai lẽ khác nhau xa.”
“Giúp cho kẻ khác giải thoát, không có nghĩa là ép họ giải thoát, vì thực ra không có ai giải thoát ai được cả, nếu không phải chính mình giải thoát cho mình. Chỗ cao trọng nhất của con người là trừ mình ra, không có ai giải thoát cho mình đặng cả. Phải giúp kẻ khác giải thoát, như vầng Thái Dương giúp cho các hoa được nở, những hoa nào đến thời kỳ nở. Cái “làm” của kẻ đạt đến cái lẽ sống không bao giờ cưỡng lại với Tự Nhiên không bao giờ dụng tư tâm mà làm hại đến bản tánh của vật mình muốn giúp. Giúp người phải biết lấy cái tự nhiên mà giúp cái tự nhiên. Người nông phu kia thấy lúa lâu lớn, bèn nhớm gốc lúa lên một tấc cả… Qua ngày sau, lúa đều chết hết. Đó là lấy cái không tự nhiên mà giúp cái tự nhiên, đó là chỉ có Tâm mà không có Tri.
Giúp cho người sống mà lại giết cái nguồn sống của họ đi, thật không có gì vô ý thức bằng. Làm nghĩa và biết làm nghĩa là hai lẽ khác nhau xa, cũng như yêu và biết yêu là hai việc khác nhau rất xa vậy. Có Tâm mà không có Tri, nguy hiểm cho đời không phải nhỏ.
Chương IV: Cái chân giá trị của sự vật
Gọi là “Vật” những gì không thuộc về cái sống của ta…những cái chi ở ngoài cái Người chân  thật của ta. Cho dẫu là Trời, mà nếu còn xem là một linh vật ngoài ta thì cũng thuộc về hàng “Vật”. Trái lại, nếu Trời cùng ta là Một, thì không được kể là “Vật” nữa.
Vậy thì “Vật” đối với ta phải như thế nào? “Vật” chỉ để phụng sự ta thôi và không được quyền làm chủ đời sống của ta. Phận sự nó là phải giúp ta, không được, vì một lẽ gì, làm trở ngại đời sống tự do của ta. Bất kỳ là “Vật” nào của ta có mà trở lại biến thành một “vật nhu thiết” đến không thể bỏ qua được, nghĩa là trở lại làm chủ ta và ngăn cản không cho ta thấy, hoặc làm cho ta quên mất cái sống của ta thì “Vật” ấy, ta phải phá hủy nó ngay.
Nói đến “vật nhu thiết” ta đừng lầm lộn với những vật nhu thiết cho cái sống vật chất của ta như vật ăn chất uống hằng ngày. Gọi là “vật nhu thiết” những vật giúp ta sống, bất luận là về tinh thần hay vật chất, tức là những vật ta không thể bỏ qua mà nó và ta, cơ hồ như một, như không khí ta thở hút, món ăn vật uống hằng ngày của ta. “Vật không nhu thiết” là những vật không cần thiết gì đến đời sống của ta cả, tức là những cái có thêm cũng không lợi ích gì cho ta, mà không có cũng không tai hại gì cho ta cả. Như vật ăn… cần thiết là những chất bổ cho thân thể; trái lại, những vật ăn không cần thiết là những món như bánh trái, rượu chè… những món cao lương mỹ vị…Cho nên “vật nhu thiết” là những vật không gọi được là “vật” nữa, vì nó cùng với cái sống của ta là cần thiết đến như là một vậy.
Chương V: Các mạng cá nhân
CÁCH MẠNG cá nhân là điều kiện cần thiết nhất trước khi nghĩ qua vấn đề cách mạng xã hội. Là vì chỉ có những kẻ thật sáng suốt, đã giải thoát được mình rồi mới có thể giúp đời mà không hại đời mà thôi. Cách mạng cá nhân là cốt làm cho mỗi cá nhân đều nhận chân được cái Chân tánh của mình và tìm cho ra những giá trị đặc biệt của Chân tánh ấy. Biết người là người Trí, nhưng biết mình mới là người Sáng: “Tri nhơn giả trí, tự tri giả minh”. Phật gia cũng nói: “Tự giác nhi giác tha”. Tự mình mà còn đui, không được dẫn đường chỉ nẻo cho ai tất cả. Thực ra, không ai dẫn dắt ai được cả, và chỉ có mình dẫn dắt được mình thôi. Người tối mới để cho người dẫn dắt, và bị dẫn dắt thì suốt đời cũng vẫn là người tối. Người sang thì tự mình dẫn dắt lấy mình thôi. Lục tổ Huệ năng nói: “Ngu giả nhân độ, trí giả tự độ”. Biết rõ ta là gì, cái Ta thật của ta, và những sở năng của nó như thế nào? Đó mới thật là một cuộc cách mạng lớn lao và khó khăn nhất trong đời người. Thành kiến, phong tục, sách vở, lý thuyết, đảng phái, chế độ, luân lý… là những cái đã tạo ra cái người của ta đây. Và thói quen lâu ngày lại biến thành một thiên tính thứ hai, ta lại tưởng nó cùng ta là một.
Chương VI: Cách mạng xã hội
Chương VII: Lẽ trời
Chương VIII: Vấn đề thiện ác
Chương IX: Đại giác và Tiểu giác
Chương X: Hành động của kẻ giải thoát
Chương XI: Tế độ quần sinh và con đường giải thoát
Chương XII: Kết luận.

Các chương tiếp theo, bạn muốn biết nó đề cập tới những vấn đề gì? như thế nào?…thì hãy đứng dậy, ra hiệu sách, kiếm một cuốn và tìm chỗ thoải mái để đọc. Đọc lần một mà thấy đầu óc mơ hồ như nhìn vào một hồ nước rộng của sớm mùa Đông nhiều mây mờ thì cứ kệ nó nhé, hãy chấp nhận và chiêm ngưỡng vẻ đẹp đó. Đọc lần thứ hai, đọc đến lần thứ ba thì kiểu gì cũng như đứng trước hồ nước buổi ban trưa, hồ trong xanh và sương mù đã tan. Bạn còn có thể nhìn thấy bóng mình trong đó, ẩn ẩn trên nền trời sáng.

Comments

Popular Posts