Bí quyết 4: Hãy để người bạn đời ảnh hưởng bạn
Các bà vợ có thể nổi giận hay thậm chí khinh thường chồng, nhưng họ luôn để chồng ảnh hưởng đến quyết định của mình bằng cách quan tâm đến ý kiến và cảm xúc của các ông. Vậy mà chẳng có mấy ông chồng làm được điều tương tự cho vợ.
Những bà vợ nào được chồng chấp nhận sự ảnh hưởng sẽ ít gay gắt với chồng hơn khi thảo luận về một vấn đề nan giải nào đó trong hôn nhân. Điều này giúp cuộc sống lứa đôi của họ vượt qua sóng gió.
Chấp nhận sự ảnh hưởng không có nghĩa là bạn không bao giờ thể hiện cảm xúc tiêu cực đối với người bạn đời. Hôn nhân vẫn có thể sống sót qua vô vàn cơn giận dữ, than phiền, thậm chí chỉ trích lẫn nhau. Dồn nén cảm xúc tiêu cực trước mặt người bạn đời chẳng những không tốt cho hôn nhân mà còn không tốt cho huyết áp của bạn.
Càng có khả năng lắng nghe những gì bạn đời bày tỏ và xem xét quan điểm của người đó một cách trân trọng, bạn càng có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề khiến cả hai bên đều thấy thoải mái và hài lòng. Nếu bạn bỏ ngoài tai những mong muốn, ý kiến và giá trị sống của người bạn đời, thỏa hiệp là chuyện không tưởng.
Khi người chồng chấp nhận sự ảnh hưởng từ vợ, thái độ cởi mở của anh cũng giúp gia tăng tính tích cực trong mối quan hệ bằng cách củng cố tình bằng hữu giữa hai người.
Không phải tất cả phụ nữ đều hiểu về cảm xúc và có kỹ năng giao tiếp tốt hơn đàn ông (vẫn còn nhiều phụ nữ hoàn toàn mù tịt về giao tiếp trong xã hội, và rất vô duyên nữa là đằng khác), nhưng thông thường phụ nữ thông minh cảm xúc hơn nam giới, vì một lý do đơn giản: yếu tố sinh học.
Thực tế cho thấy, người chồng nào chấp nhận ảnh hưởng từ vợ có khả năng trở thành một người cha trên cả tuyệt vời. Anh đồng cảm với thế giới của con, hiểu những người bạn và cả những nỗi sợ hãi của bọn trẻ. Bởi anh không sợ đối mặt với cảm xúc, anh dạy cho con biết tôn trọng cảm xúc nội tâm. Anh tắt chương trình đá banh trên tivi để lắng nghe con, bởi anh muốn các con nhớ rằng anh luôn dành thời gian cho chúng. Người chồng, người cha thời đại mới này mang đến một cuộc sống gia đình đầy ý nghĩa và thú vị. Với hậu phương vững chắc là gia đình hạnh phúc, anh có thể làm việc một cách hiệu quả.
Một số ông cố cưỡng lại sức ảnh hưởng của vợ vì họ tin rằng sự chuyển biến về vai trò của hai giới chỉ là thứ phong trào thoáng qua. Nhưng bằng chứng khoa học cho thấy chúng ta đang sống giữa thời kỳ chuyển biến về văn hóa, và mọi thứ sẽ không bao giờ quay lại như trước nữa.
Những xã hội phụ hệ thường có các đặc điểm sau:
Thực phẩm khan hiếm và cuộc sống thường nhật khó khăn. Nguy hiểm luôn rình rập.
Thịt lấy được từ các con thú lớn luôn có giá trị hơn các loại thực phẩm khác. Việc tổ chức săn bắt là đặc quyền của nam giới.
Nam giới không tham gia vào việc chăm sóc và nuôi dạy con cái. Họ có thể chăm lo cho những đứa lớn, nhưng những đứa nhỏ thì không.
Hình ảnh người phụ nữ ít khi xuất hiện trong những biểu tượng thần thánh, đặc biệt là trong thần thoại.
Xã hội của chúng ta ngày nay đã khác:
Thực phẩm rất dồi dào, và môi trường sống cũng không còn quá khắc nghiệt nữa. Luật pháp giúp đa số chúng ta cảm thấy tương đối an toàn.
Nam giới không còn là thành viên duy nhất nuôi sống gia đình.
Nhiều người đàn ông thời nay muốn tham gia vào việc chăm sóc, nuôi dạy con cái.
Thử thách cho các ông lúc này là quyết định đối mặt và hành động ra sao trước biến chuyển quá lớn này.
Điểm khác biệt căn cơ nhất giữa hai mẫu ông chồng là người chồng “kiểu mới” nhận ra rằng có những lúc họ phải biết nhường nhịn trong cuộc sống để chiến thắng.
Chấp nhận ảnh hưởng là một thái độ sống, nhưng đồng thời nó cũng là một kỹ năng mà bạn có thể trau dồi nếu biết để ý đến mối quan hệ giữa hai vợ chồng. Khi có mâu thuẫn xảy ra, chìa khóa giải quyết vấn đề là sẵn sàng thỏa hiệp cùng nhau.
Nếu người đàn ông vẫn không chấp nhận ảnh hưởng từ vợ về một vấn đề nào đó, bất chấp mọi nỗ lực, thì đó là dấu hiệu cho thấy có một vấn đề tiềm ẩn đang cản đường cản lối anh.
Hai dạng mâu thuẫn trong hôn nhân
Hôn nhân là sự kết hợp của hai cá thể độc lập với những chính kiến riêng biệt, giá trị tốt đẹp lẫn tật xấu cá nhân. Vì thế thẳng có gì ngạc nhiên khi ngay cả trong những cuộc hôn nhân hạnh phúc, người chồng lẫn người vợ vẫn phải đương đầu với vô vàn thử thách. Một số mâu thuẫn chỉ khiến bạn bực mình một chút, nhưng nhiều vấn đề khác lại gây căng thẳng nặng nề.
Tất cả những mâu thuẫn trong hôn nhân đều rơi vào một trong hai dạng: hoặc có thể giải quyết, hoặc tồn tại mãi mãi – trở thành một phần cuộc sống của hai người.
Những vấn đề không bao giờ biến mất
Phần lớn mâu thuẫn trong hôn nhân rơi vào trường hợp này. Đó là những vấn đề mà dù sau 1 hay nhiều năm chung sống, hai vợ chồng vẫn tranh cãi về nó, nhưng họ sống chung với những mâu thuẫn bất di bất dịch đó mà không để cho chúng khiến họ cảm thấy quá tải. Chẳng hạn, người chồng không thích đi chơi với gia đình vợ, mức độ ngăn nắp, phương pháp giáo dục con, nhu cầu tình dục, làm việc nhà…
Thông thường, các cặp vợ chồng hiểu những vấn đề ấy là một phần tất yếu của mối quan hệ, giống như “sinh, lão, bệnh, tử”. Tương tự với cái đầu gối hay giở chứng, cái lưng đau, đường ruột rối loạn hoặc khớp tay sưng…, dù không ưa những triệu chứng đó, chúng ta vẫn có thể đương đầu với chúng, tránh những thứ khiến chúng tồi tệ hơn, đồng thời tìm hiểu xem có phương pháp nào giúp ta đối phó với chúng tốt hơn không.
Nhà tâm lý học Dan Wile nói rằng “Khi lựa chọn người bạn đời, xem như bạn đã chọn một loạt vấn đề không thể giải quyết mà bạn sẽ phải vật lộn với nó trong suốt mười, hai mươi, thậm chí năm mươi năm”.
Trong những cuộc hôn nhân bấp bênh, những mâu thuẫn vĩnh viễn dạng này cuối cùng sẽ giết chết mối quan hệ. Thay vì tìm cách đối phó với mâu thuẫn một cách hiệu quả, các cặp vợ chồng sa lầy vào chúng, họ nhai đi nhai lại một chuyện, càng ngày càng cảm thấy tổn thương, thất vọng, họ thấy mình bị quá tải, họ bắt đầu cách ly hoặc phong tỏa những bất đồng đó. Dần dần họ sống như hai đường thẳng song song và không tránh khỏi cảm giác cô đơn trong chính ngôi nhà của mình – hồi chuông báo tử cho mọi cuộc hôn nhân.
Những biểu hiện của tình trạng bế tắc:
- Mâu thuẫn khiến bạn cảm thấy bị người bạn đời hắt hủi.
- Hai bạn cứ nói về chuyện đó suốt nhưng chẳng đi được đến đâu.
- Sau khi thảo luận về vấn đề này, bạn còn cảm thấy tổn thương và thất vọng nhiều hơn.
- Cuộc đối thoại về vấn đề này thiếu sự hài hước, cũng chẳng có cảm xúc yêu thương gì cả.
- Cảng lúc càng trở nên cứng nhắc, dẫn đến lăng mạ nhau trong quá trình thảo luận, trở nên cực đoan trong cách nhìn nhận đồng thời càng khó thỏa hiệp hơn.
- Cuối cùng, không còn kết nối về mặt cảm xúc.
Cãi vã không dứt cho thấy những khác biệt sâu sắc giữa hai người, và bạn cần giải quyết điều đó trước khi muốn mọi thứ đâu vào đấy.
Những vấn đề có thể giải quyết
Những vấn đề này nghe có vẻ tương đối đơn giản so với những mâu thuẫn không thể hòa giải, nhưng nó vẫn có thể gây ra cho hai vợ chồng nhiều chuyện đau lòng.
Một vấn đề có thể giải quyết không có nghĩa là nó sẽ được giải quyết, nếu như bạn không làm gì cả.
Cách mà cặp vợ chồng thông minh xử lý bất đồng: Mở lời một cách dễ nghe thay vì cay nghiệt; Học cách chữa cháy một cách hiệu nghiệm; Theo dõi những dấu hiệu cơ thể cảnh báo tình trạng quá tải trong quá trình thảo luận; Học cách thỏa hiệp; và Chấp nhận những điểm chưa hoàn hảo của nhau.
Nếu bạn và người bạn đời đang gặp mâu thuẫn, sẽ không dễ gì nhận ra đó là dạng mâu thuẫn nào – bế tắc hay có thể giải quyết. Một cách để xác định các vấn đề có thể giải quyết là chúng có vẻ ít đau đớn, ít phiền muộn hoặc ít căng thẳng hơn so với những mâu thuẫn thường trực, trầm kha. Đó là vì khi tranh cãi về một vấn đề có lối thoát, bạn chỉ tập trung vào tình huống.
Tuy nhiên, nếu hai người không cùng nhau tìm ra cách thỏa hiệp trong vấn đề tranh cãi thì rất có thể sẽ trở nên ngày càng phẫn uất và bám chặt vào hững lý lẽ của riêng mình. Mâu thuẫn càng trở nên trầm trọng hơn và ảnh hưởng đến những khía cạnh khác trong cuộc sống hai người. Nó có thể phát triển thành loại mâu thuẫn vĩnh viễn.
Bạn có thể nhận thấy người bạn đời dễ hòa giải hơn bạn tưởng trong quá trình tranh cãi, một khi bạn biết mình cần lắng nghe điều gì.
Nếu một trong hai người (hoặc cả hai) thấy mình bị xét đoán, hiểu lầm hoặc bị người kia chối bỏ, bạn sẽ không thể nào giải quyết được những xung đột. Quy luật này đúng với mọi vấn đề lớn nhỏ.
Bạn muốn người bạn đời cho lời khuyên về cách giải quyết xung đột giữa bạn với sếp. Nếu vợ/chồng bạn ngay lập tức chỉ trách bạn, khăng khăng cho rằng sếp bạn đúng, còn bạn thì sai, và tại sao bạn phải gây hấn với sếp làm gì, thì có lẽ bạn sẽ cảm thấy hối tiếc vì đã đề cập đến chuyện này. Nhiều khả năng bạn sẽ tìm cách bào chữa, trở nên giận dữ, cảm thấy bị xúc phạm, tổn thương hoặc nhiều cảm giác trộn lẫn nhau, cho dù sau đó người bạn đời sẽ đáp lại một cách thành thật: “Nhưng anh/em chỉ đang muốn giúp em/anh thôi mà”.
Có sự khác biệt lớn giữa câu nói “Anh chạy xe kinh quá! Anh có đi chậm lại không, hay anh muốn cả hai cùng chết!”, và câu “Em biết anh thích cảm giác chạy xe nhanh. Nhưng em thật sự rất căng thẳng mỗi khi anh chạy quá tốc độ. Anh có thể lái chậm lại không?”.
Có thể cách nói thứ hai dài hơn một chút. Nhưng khoảng thời gian thêm này rất đáng giá, bởi đó là cách duy nhất có tác dụng. Một sự thật đơn giản là người ta chỉ chịu thay đổi khi họ cảm thấy được yêu thương và chấp nhận. Ngược lại, khi cảm thấy bị chỉ trích, ghét bỏ và không được trân trọng, không cách gì lay chuyển được họ. Thay vào đó, họ cảm thấy bị tấn công và càng cố tỏ ra tự vệ.
Để hôn nhân tiến triển tốt đẹp, bạn cần tha thứ cho nhau và quên đi những bất hòa đã qua. Sẽ khó đấy, nhưng thành quả rất xứng đáng. Khi bạn tha thứ cho người bạn đời, cả hai cùng có lợi. Cảm giác cay đắng, chua xót là một gánh nặng.
Comments
Post a Comment