Bí quyết 5: Giải quyết những vấn đề có thể giải quyết
Khi người chồng và người vợ tôn trọng nhau, cởi mở chấp nhận quan điểm của nhau, họ sẽ biết cách xử lý ổn thỏa mọi khác biệt phát sinh. Nhưng các cặp vẫn thường lạc lối khi cố thuyết phục nhau hay giải quyết bất đồng.
Giải pháp phổ biến nhất cho những mâu thuẫn trong hôn nhân được các nhà trị liệu khuyến khích là đặt mình vào vị trí của người bạn đời khi lắng nghe những gì người ấy bày tỏ, sau đó đáp lại một cách cảm thông rằng bạn hiểu vấn đề theo cách nhìn của người ấy.
Nhưng thực tế là nhiều người không thể làm được điều này – kể cả những cặp vợ chồng hạnh phúc. Nhiều người vốn có cuộc sống lứa đôi nồng nàn, đáng ganh tỵ không hề làm theo những nguyên tắc giao tiếp đó khi họ có chuyện cãi nhau. Tuy vậy, họ vẫn hoàn toàn có thể giải quyết mâu thuẫn.
Mô hình giải quyết mâu thuẫn mới trong một mối quan hệ nồng thắm:
1. Mở lời một cách nhẹ nhàng.
2. Học cách thực hiện và đón nhận những nỗ lực chữa cháy.
3. Xoa dịu chính mình và người bạn đời.
4. Thỏa hiệp.
5. Khoan dung cho những lỗi lầm của nhau.
Bạn hãy đối xử với người bạn đời lịch thiệp không kém gì cách bạn đối xử với khách mời. Nếu một người khác bỏ quên cây dù, chúng ta sẽ nói, “Dù của anh/chị đây ạ”, chứ không bao giờ là “Anh/chị bị làm sao vậy? Lúc nào cũng quên thứ này thứ kia. Làm ơn để tâm cho tôi nhờ được không! Tôi là ai chứ, người hầu đi theo dọn dẹp cho anh/chị à?”. Chúng ta thường thận trọng với cảm xúc của khách, dẫu sự việc xảy ra chẳng có gì hay ho.
Mở lời nhẹ nhàng
Nếu có một điểm chung giữa những cuộc hôn nhân hạnh phúc và bất hạnh, thì đó là trong cả hai trường hợp, người vợ thường là người đề cập đến các vấn đề nhạy cảm và nỗ lực giải quyết chúng. Điểm khác biệt to lớn nhất chính là cách người vợ mở đầu câu chuyện.
Mở lời nhẹ nhàng không nhất thiết phải là khéo léo, chỉ cần bạn tránh việc chỉ trích hoặc tỏ ra khinh thưởng nhau. Mở lời nhẹ nhàng đóng vai trò chủ chốt trong việc giải quyết mâu thuẫn, vì một cuộc đối thoại luôn kết thúc y như cách nó được bắt đầu.
Học cách thực hiện và đón nhận nỗ lực chữa cháy
Khi bạn học lái xe, điều đầu tiên người ta dạy bạn là làm sao để xe dừng lại. Biết đạp thắng là một kỹ năng quan trọng trong hôn nhân.
Yếu tố khiến những cuộc hôn nhân bền vững, thông minh cảm xúc khác với những cuộc hôn nhân còn lại không nhất thiết là nỗ lực chữa cháy của họ hay hơn, khéo léo hơn mà nỗ lực ấy được bạn đời đón nhận.
Chuyển tải thông điệp đến người nhận
Trong cuộc hôn nhân hạnh phúc, các cặp vợ chồng dễ dàng trao đi và nhận lại nỗ lực chữa cháy. Còn trong những cuộc hôn nhân bất hạnh, ngay cả những hành động chữa cháy thuyết phục nhất cũng không có tác dụng.
Nhưng bạn có thể “phá vỡ quy luật” này. Bạn không cần phải đợi cho đến khi hôn nhân được cải thiện rồi mới nỗ lực chữa cháy. Hãy bắt đầu ngay từ bây giờ bằng cách tập trung vào những “cái thắng” và hướng dẫn nhau biết cách nhận biết khi nào thì đối phương đang nỗ lực chữa cháy.
Tương lai của hai bạn vẫn có thể sáng sủa ngay cả khi những bất đồng giữa hai người có vẻ vô cùng tiêu cực. Bí quyết ở đây là biết cách kiểm soát thiệt hại.
Một lý do khiến các cặp vợ chồng không nhận ra nỗ lực chữa cháy của nhau là họ không nói chuyện ngọt ngào. Nếu người bạn đời hét lên “Anh đang đi lạc đề rồi đấy” hoặc càu nhàu “Chúng ta nghỉ một chút được không?” thì đó chính là nỗ lực chữa cháy, dù nghe có vẻ tiêu cực. Nếu chỉ chăm chăm vào giọng điệu của người nói thay vì chú ý đến từ ngữ, bạn có thể bỏ sót thông điệp thật sự, đó là “Ngừng lại! Mọi chuyện đi quá lố rồi”.
Một số “câu nói mẫu” thể hiện sự chữa cháy mà bạn có thể sử dụng:
Anh/em thấy sợ.
Anh/em hãy nói chuyện nhẹ nhàng hơn.
Anh/em làm gì sai chăng?
Điều đó khiến anh/em bị tổn thương.
Nghe như một lời sỉ nhục vậy.
Anh/em cảm thấy không được trân trọng.
Xin anh/em đừng lên lớp em/anh…
Xoa dịu bản thân và người bạn đời
Trong phần lớn các trường hợp, khi một trong hai người không hiểu nỗ lực chữa cháy của người kia, đó là vì người nghe bị quá tải, và vì thế họ không thể nghe thấy những điều người bạn đời bày tỏ. Khi bạn ở trong tình huống này, nỗ lực chữa cháy hay nhất thế giới cũng chẳng giúp gì được cho hôn nhân của bạn. Hãy đánh giá tình trạng quá tải.
Nếu nhịp tim của bạn vượt quá 100 nhịp một phút, thì dù có cố thế nào đi chăng nữa, bạn cũng sẽ không thể nghe những gì người bạn đời bày tỏ. Hãy nghỉ ngơi khoảng 20 phút trước khi tiếp tục.
Nan Silver - cố vấn biên tập của tạp chí Parents - đồng tác giả 7 bí quyết giúp hôn nhân hạnh phúc |
Thỏa hiệp
Trong một mối quan hệ thắm thiết, việc bạn khăng khăng làm theo ý mình chẳng mang lại điều gì tốt đẹp, ngay cả khi bạn tin rằng mình đúng. Giải pháp duy nhất cho các vấn đề trong hôn nhân chính là tìm cách thỏa hiệp.
Thông thường, hai vợ chồng đều cố gắng hết mình để tìm tiếng nói chung, nhưng họ vẫn thất bại, đơn giản vì họ thỏa thiệp không đúng cách. Hãy nhớ, nền tảng của mọi thỏa hiệp chính là chấp nhận sự ảnh hưởng. Nghĩa là, để việc thỏa hiệp hiệu quả, bạn không thể không quan tâm đến ý kiến và mong muốn của người bạn đời. Bạn không nhất thiết phải đồng ý với tất cả những điều người ấy nói hoặc tin tưởng, nhưng bạn phải thành thật cởi mở xem xét quan điểm của anh ấy/cô ấy.
Hãy khoan dung cho những lỗi lầm của nhau
Một cuộc hôn nhân thường đầy rẫy những câu “giá mà…”. Giá mà anh ấy/cô ấy cao hơn, giàu hơn, thông minh hơn, ngăn nắp hơn hoặc hấp dẫn hơn…, thì mọi khó khăn của bạn sẽ biến mất.
Chừng nào thái độ này còn tồn tại thì những mâu thuẫn vẫn còn nan giải.
Nếu không thể chấp nhận những khiếm khuyết và điểm yếu của người bạn đời, bạn sẽ không thể thỏa hiệp thành công. Thay vào đó, bạn sẽ không ngừng tìm cách thay đổi vợ/chồng mình.
Giải pháp cho mâu thuẫn không nằm ở chỗ một người phải thay đổi, mà là thương lượng, tìm ra những điểm chung và những cách thức phù hợp với cả hai.
Đối mặt với những vấn đề thông thường có thể giải quyết
Áp lực công việc, gia đình hai bên, tiền bạc, tình dục, công việc nhà, nuôi dạy con cái… là những mâu thuẫn thường gặp nhất trong hôn nhân. Ngay cả trong những cuộc hôn nhân hạnh phúc và bền vững, các vấn đề này cũng thường xuyên xuất hiện.
Căng thẳng chỉ ngừng “leo thang” khi cả hai cảm thấy mình có thể thoải mái sống chung với những khác biệt của nhau. Nhưng nếu vấn đề thuộc loại có thể giải quyết, thử thách cho bạn là tìm ra chiến lược đúng đắn để chinh phục nó.
Sau đây là 6 kiểu mâu thuẫn tiêu biểu và những lời khuyên hữu ích giúp xử lý bất đồng:
Từ căng thẳng đến căng thẳng hơn
Căng thẳng trong công việc ngày một trở thành yếu tố khiến hôn nhân kém viên mãn. Thời nay, một cặp vợ chồng mỗi năm làm việc trung bình nhiều hơn 1.000 giờ so với ba mươi năm trước.
Quỹ thời gian dành để trò chuyện, thư giãn, ăn uống, thậm chí ngủ ít hơn xưa. Những câu ngọt ngào như “Em yêu, anh về rồi” chỉ còn là quá khứ trong nhiều gia đình thời đại mới. Vì nhiều khả năng “em yêu” cũng ra ngoài đi làm và phải tha về nhà hàng đống giấy tờ chuẩn bị cho buổi gặp mặt với khách hàng vào sáng hôm sau.
Giải pháp: Lên kế hoạch cho những buổi than thở chính thức có thể tránh được tình trạng mang căng thẳng trong cuộc sống vào hôn nhân. Hãy dành ra một khoảng thời gian nghỉ ngơi trong thời khóa biểu hằng ngày của bạn. Hãy nghiêm túc thực hiện. Một số cặp vợ chồng phát hiện ra cách dễ nhất để thư giãn là nhờ người bạn đời giúp đỡ. Bạn cũng có thể thử.
Mối quan hệ với gia đình hai bên
Mặc dù những mâu thuẫn thường xuất hiện từ những ngày đầu của hôn nhân, nhưng những rắc rối xung quanh mối quan hệ với gia đình hai bên có thể nảy sinh hoặc tái diễn trong nhiều thời điểm khác.
Nguyên nhân cốt lõi của căng thẳng này nằm ở cuộc chiến giành giật tình cảm của người chồng giữa hai người phụ nữ. Người vợ luôn để ý xem chồng mình sẽ bênh vực mình hay bênh vực mẹ. Và thường thì bà mẹ chồng cũng đặt ra câu hỏi tương tự. Về phần người đàn ông, anh chỉ ước sao hai người phụ nữ ấy hòa hợp với nhau hơn. Anh yêu thương cả hai nhưng không muốn phải lựa chọn.
Giải pháp: Cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng này là người chồng cần khéo léo nói cho mẹ hiểu rằng đây là chuyện riêng giữa vợ chồng anh, và việc đứng giữa thật chẳng dễ dàng gì đối với anh. Người mẹ có thể cảm thấy bị tổn thương, nhưng cuối cùng bà sẽ thích nghi với thực tế là đó là là gia đình riêng của con trai mình.
Một phần quan trọng trong việc xây dựng tính thống nhất giữa hai vợ chồng là bảo vệ người bạn đời khi cần.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta ủng hộ chuyện người đàn ông làm những điều thiếu tôn trọng và xem thường cha mẹ hay đi ngược lại các giá trị sống. Anh phải nói cho bố mẹ hiểu, chứ không thể đứng chơi vơi ở giữa. Anh và vợ phải xây dựng những quy tắc, giá trị và phong cách sống riêng, và thuyết phục cha mẹ tôn trọng những điều ấy.
Tiền, tiền, tiền
Dù tài khoản ngân hàng luôn đầy ắp hay eo hẹp, thì nhiều cặp vợ chồng vẫn đối mặt với những mâu thuẫn nghiêm trọng về tiền bạc. Thông thường đây là bằng chứng cho thấy sự tồn tại của một vấn đề tồn tại vĩnh viễn, bởi tiền bạc là biểu tượng của nhiều nhu cầu về mặt cảm xúc và nó đánh vào các giá trị cốt lõi trong mỗi con người chúng ta.
Chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn này là hiểu việc cân bằng giữa tiền riêng và tiền chung tượng trưng cho tính ổn định và sự tin cậy.
Giải pháp: Bày tỏ những lo toan, nhu cầu và khao khát với nhau trước khi lên kế hoạch, và đảm bảo rằng kế hoạch ấy không khiến bất kỳ ai trong hai người cảm thấy bị ép uổng. Mỗi người cần kiên quyết về những gì mình tin rằng không có không được.
Tình dục
Không một khía cạnh nào trong cuộc sống lứa đôi có thể gây ra nhiều cảm giác ê chề, tổn thương nhiều như tình dục. Nhưng các cặp vợ chồng thường thấy việc trao đổi thẳng thắn với nhau về vấn đề này là một thách thức. Thường họ chỉ nói “bóng gió”, và điều này càng khiến người nghe khó hiểu chính xác những gì người bạn đời muốn bày tỏ.
Giải pháp: Đa số chúng ta đều cảm thấy nhạy cảm về chuyện mình có hấp dẫn trong mắt người bạn đời hay không, và mình có phải là một người tình tuyệt vời hay không. Nên bí quyết để nói về tình dục là hãy nhẹ nhàng.
Mục đích của tình dục là kéo hai người xích lại gần nhau hơn, vui vẻ bên nhau, cảm thấy thỏa mãn và thấy mình được trân trọng, được chấp nhận trong một khía cạnh hết sức tế nhị của hôn nhân.
Khi trò chuyện với người bạn đời về tình dục, thái độ của bạn phải luôn hướng tới việc bạn đang nỗ lực làm cho một điều vốn dĩ đã tốt đẹp càng trở nên tuyệt vời hơn nữa. Thậm chí ngay cả khi không thỏa mãn với đời sống tình dục hiện tại, bạn vẫn cần tập trung vào mặt tích cực.
Bạn nên tìm hiểu thêm một số lỗi dễ mắc phải trong đời sống tình dục. Lỗi lớn nhất ở đây là thiếu kiến thức căn bản về tình dục. Đôi khi ta cứ tưởng mình hiểu rõ người bạn đời đến tận chân tơ kẽ tóc, hiểu cả chức năng sinh lý của người ấy, trong khi ta chưa hề tìm hiểu mấy chuyện này ở bất kỳ đâu. May thay, trong thời đại này, chúng ta có thể dễ dàng tìm được những quyển sách phù hợp với nhiều lứa tuổi về chủ đề tình dục. Hãy mua bất kỳ quyển nào khiến bạn chú ý.
Việc nhà
Nhiều ông không hiểu nổi tại sao việc nhà tại sao lại quan trọng với vợ mình đến vậy. Có thể họ không có ý trốn việc, nhưng đa số các ông lớn lên trong các gia đình truyền thống, nơi mà bố của họ không hề đụng tay vào việc nhà.
Các ông có thể nói rất hay về chuyện thời thế thay đổi, và thật không công bằng cho các bà vợ khi phải gánh vác thêm việc ngoài giờ đi làm trong khi các ông ngồi nhâm nhi ly bia.
Ở mức độ nào đó, nam giới vẫn cho rằng việc nhà là việc của đàn bà. Khi các ông xắn tay áo lên làm việc nhà, họ cho rằng mình cần được tuyên dương. Nhưng thay vào đó, các bà cứ được voi đòi tiên, vì thế họ trở nên tự vệ và làm ít đi.
Giải pháp: Đôi khi các ông né tránh trách nhiệm ở khoản này chỉ vì thiếu động lực. Sự thật nho nhỏ này có thể khơi dậy ngọn lửa hăng hái làm việc nhà ở các ông chồng: Trong mắt phụ nữ, những người đàn ông sẵn sàng làm việc nhà trở nên cực kỳ hấp dẫn!
Làm cha mẹ
Hầu hết các cuộc nghiên cứu về quá trình con người chuyển từ vai trò vợ chồng sang vai trò cha mẹ đều công nhận rằng đứa con tạo ra một thay đổi chấn động trong hôn nhân. Trong vòng một năm sau khi đứa trẻ ra đời, 70% các bà vợ không còn cảm thấy hạnh phúc trong hôn nhân. Đối với người chồng, cảm giác bất mãn thường diễn ra sau đó, như một phản ứng dây chuyển khi người vợ không hạnh phúc.
Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này: thiếu ngủ, cảm giác quá tải và không được trân trọng, trách nhiệm to lớn khi phải chăm lo cho một sinh linh yếu ớt, căng thẳng về kinh tế, thiếu thời gian dành cho bản thân…
Bí ẩn to lớn nhất không nằm ở câu hỏi tại sao 67% những người lần đầu làm mẹ cảm thấy khổ sở, mà chính là lý do vì sao 33% còn lại có thể vượt qua quá trình chuyển biến ấy một cách bình an vô sự.
Điều khiến cho những người mẹ tràn đầy hạnh phúc không phải chuyện con họ có hay đau bụng không, ngủ có ngoan không, bú sữa mẹ hay bú bình, mẹ đi làm hay ở nhà chăm con, mà tất cả nằm ở việc người chồng có cùng vợ trải qua thời kỳ chuyển biến thành cha mẹ, hay rớt lại phía sau.
Giải pháp: Tập trung vào tình bằng hữu trong hôn nhân. Nếu người chồng hiểu vợ mình, anh sẽ dễ dàng hòa hợp với cô hơn khi cô bước vào hành trình làm mẹ.
Đừng bỏ quên người bố trong việc chăm con. Đôi khi, với bản năng mạnh mẽ, người mẹ tỏ ra mình là người biết hết mọi thứ trước mặt chồng, cô đóng vai trò người giám sát, không ngừng chỉ đạo, sai bảo người bố, thậm chí sẽ trừng phạt nếu anh không làm đúng như cô muốn. Thiếu tự tin, người bố làm ngày một ít đi, do đó càng trở nên kém thành thạo và không mong gì hơn được rút lui. Dần dần, họ thấy mình bị ra rìa.
Hãy để người bố làm bạn cùng chơi với con. Người bố nào làm quen với con mình qua quá trình tắm táp, thay tã và cho con ăn chắc hẳn sẽ nhận ra họ thích chơi với con, và đứa trẻ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của hai vợ chồng.
Dành thời gian riêng cho nhau. Hãy nhớ, bạn không hề thất bại nếu phần lớn thời gian hai người “hẹn hò” với nhau là để nói chuyện con cái. Khi đứa trẻ lớn lên, biết đi, rồi tới tuổi đến trường, bạn sẽ nhận ra những cuộc trò chuyện của hai vợ chồng không còn lúc nào cũng xoay quanh con cái và trách nhiệm làm cha mẹ nữa.
Hãy nhạy cảm với những nhu cầu của người bố. Dù có tham gia hết mình và chuyển hóa tâm lý thành công trong vai trò làm cha mẹ với vợ mình đi chăng nữa, người đàn ông vẫn cảm thấy phần nào trống trải vì đứa trẻ có quá nhiều nhu cầu cần được người mẹ đáp ứng. Người vợ càng hiểu những gì anh phải hy sinh, và thể hiện cho chồng biết rằng anh vẫn là người quan trọng trong đời cô, thì anh càng trở nên thông cảm. Nếu cô không dành tí thời gian nào cho cuộc hôn nhân, anh sẽ có khuynh hướng rút lui khỏi mối quan hệ.
Tạo điều kiện cho người mẹ nghỉ ngơi. Sau tất cả những trách nhiệm phải gánh vác mỗi ngày từ khi đứa bé chào đời, người mẹ cũng cảm thấy kiệt sức. Cô cần có chút thời gian để ngủ bù, hoặc gặp gỡ bạn bè, đi xem phim, hay làm bất cứ điều gì cô muốn, để có lại cảm giác mình là một phần của thế giới.
Comments
Post a Comment